Ngày 25/2, CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo về hai cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng các cuộc diễn tập này không khác gì hành động tuyên chiến.
Trong bài viết được hãng thông tấn chính thức KCNA đăng tải, Hội đồng quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là "một sự thách thức rõ ràng đối với hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên".
Quân đội Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật ngày 23/12/2011 tại khu vực gần biên giới trên bộ với Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Theo kế hoạch, hai cuộc tập trận chung "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" của Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu diễn ra từ tuần tới và kéo dài đến cuối tháng Tư. Hội đồng quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh các cuộc tập trận này về bản chất là "sự tuyên chiến ngầm" và phía Triều Tiên sẽ "giáng trả thích đáng".
Đầu tuần này, Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắt đạn thật tại vùng biển gần ranh giới giữa hai miền Triều Tiên ở Hoàng Hải, bất chấp cảnh báo của Triều Tiên.
Cùng ngày 25/2 tại Xơun, đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách đối với Triều Tiên, ông Glyn Davies nói rằng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên phải được cải thiện trước khi Bình Nhưỡng và Oasinhtơn có thể có "một sự cải thiện cơ bản" trong quan hệ.
Ông Davies tới Xơun sau hai ngày đàm phán với đại diện của Triều Tiên ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ông đưa ra tuyên bố trên tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Hàn Quốc Lim Sung Nam.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, ông Davies cho biết "có một số tiến bộ" trong các cuộc đàm phán với phái đoàn Triều Tiên, song không đạt được đột phá nào. Ông cũng cho rằng "còn một chặng đường dài" trước khi có thể nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Sau khi tới Bắc Kinh và Xơun, dự kiến ông Davies sẽ tiếp tục tới Nhật Bản để thảo luận với giới chức nước này về kết quả cuộc gặp song phương với Triều Tiên.
Cuộc gặp tại Bắc Kinh nói trên là cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời hồi tháng 12/2011. Giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để Oasinhtơn làm rõ hơn các chính sách của Bình Nhưỡng dưới thời nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un, đồng thời xúc tiến nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
TTXVN/Tin tức