Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã xác nhận thông tin này và đang theo dõi sát tình hình.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhận định Triều Tiên có thể vừa thử ít nhất một quả tên lửa, và không loại trừ khả năng đó là tên lửa đạn đạo. Thủ tướng Nhật Bản Y Suga tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định một cách chính thức các quả đạn được phóng ra bờ biển phía đông của Triều Tiên (Biển Nhật Bản) là loại gì.
Đây có thể là lần thứ hai Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa trong vòng 1 tuần, sau vụ thử hai quả tên lửa hành trình hồi cuối tuần trước ở Hoàng Hải.
Tên lửa hành trình, vốn được coi là loại vũ khí chiến thuật, không bị cấm trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm vào Triều Tiên. Trong khi tên lửa đạn đạo là vũ khí bị cấm phát triển.
Lần gần đây nhất Triều Tiên thử một quả tên lửa đạn đạo, điều bị cấm theo các nghị quyết của Liên hợp quốc, diễn ra vào tháng 3/2020.
Diễn biến mới nói trên diễn ra sau khi ngày 13/9 Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã thực hiện thành công các vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới hồi cuối tuần vừa qua.
Theo KCNA, các vụ phóng diễn ra vào các ngày 11 và 12/9 sau hai năm nghiên cứu. Tên lửa đã bay khoảng 1.500km trước khi bắn trúng các mục tiêu và rơi xuống vùng biển quốc tế trong quá trình thử.
Thông báo nhấn mạnh: "Nhờ vào quá trình phát triển hệ thống vũ khí đáng tin cậy và khoa học trong hai năm qua, việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa - loại vũ khí chiến lược có vai trò to lớn - đã được thúc đẩy. Chi tiết về các phần trong những vụ thử, đánh giá về động cơ hay những đánh giá về kiểm soát và dẫn đường, cũng như sức mạnh của đầu đạn, đã cho thấy kết quả thành công".
Tuần trước, Triều Tiên cũng đã tổ chức diễu binh vào rạng sáng 9/9 nhân kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự buổi lễ nhưng không phát biểu, trong khi không có vũ khí chiến lược mới nào được trình diễn tại sự kiện này.
KCNA cho biết cuộc diễu binh hầu hết do Lực lượng Công dân – nông dân Hồng vệ binh (WPRG) thực hiện. Đây là một tổ chức dân phòng tại Triều Tiên, gồm khoảng 5,7 triệu công nhân và nông dân. Đáng chú ý, tham gia diễu hành còn có khối lực lượng chống dịch và Bộ Y tế, lực lượng "bảo vệ vững chắc an ninh đất nước và nhân dân Triều Tiên khỏi đại dịch toàn cầu".
Phát biểu tại buổi lễ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, ông Ri Il-hwan. KCNA dẫn lời ông Ri khẳng định: “Chính phủ Triều Tiên quyết tâm bảo vệ phẩm giá và lợi ích căn bản của nhân dân và giải quyết mọi việc theo cách của mình, bằng sức của mình trên nguyên tắc tự lực tự cường trong mọi hoàn cảnh”. Ông cũng cho biết Triều Tiên sẽ phát triển quân đội nhân dân “bằng mọi cách” và đặt ngành công nghiệp quốc phòng trên cơ sở “tư tưởng chủ thể và hiện đại hóa”.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trong cuộc diễu binh tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng chỉ có sự xuất hiện của một số vũ khí thông thường như pháo chống tăng, pháo phản lực, không có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các vũ khí chiến lược khác.