Bức ảnh lưu trữ này do KCNA công bố ngày 21/3/2025, cho thấy Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) thăm một xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Nampho phía tây Triều Tiên.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin hôm 26/4 cho biết nước này đã công bố tàu khu trục đa năng 5.000 tấn mới tại buổi lễ được tổ chức tại một xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Nampho phía Tây Triều Tiên. Đây là chương trình được tổ chức vào ngày 25/4 nhằm hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ngợi ca những nỗ lực của quân đội nhằm tăng cường sức mạnh hàng hải.
KCNA đã trích dẫn phát biểu của ông Kim cho biết rằng tàu khu trục này sẽ tăng cường sức mạnh để "bảo vệ toàn diện" chủ quyền trên biển của Triều Tiên và đóng vai trò là điểm khởi đầu quan trọng trên con đường hướng tới sức mạnh hàng hải tiên tiến của nước này.
Những đồn đoán trước đó về tàu chiến mới của Triều Tiên
Theo kênh CNN ngày 13/4, một số ảnh chụp vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên có thể đang đóng tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay, có khả năng lớn gấp đôi các tàu hiện có của nước này. Ảnh chụp của các nhà cung cấp vệ tinh độc lập Maxar Technologies và Planet Labs vào ngày 6/4 cho thấy con tàu đang được đóng trong vùng nước tại xưởng đóng tàu Nampo ở bờ Tây Triều Tiên, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 60 km về phía Tây Nam.
Ảnh chụp vệ tinh ghi lại hoạt động chế tạo tàu chiến lớn nhất và tiên tiến nhất từ trước đến nay ở Triều Tiên. Ảnh: Maxar Technologies
Theo các nhà phân tích, ảnh chụp cho thấy Triều Tiên đang thực hiện hoạt động lắp đặt các loại vũ khí và hệ thống bên trong con tàu. Khi đó, các bên nhận định đây nhiều khả năng là một tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường (FFG), có thể mang theo các tên lửa đặt trong ống phóng thẳng đứng dùng để tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Ông Joseph Bermudez Jr. và bà Jennifer Jun tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định trong một phân tích: "Chiếc FFG dài khoảng 140 mét, khiến tàu chiến này trở thành tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo ở Triều Tiên".
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ dài khoảng 154 mét và các tàu hộ vệ lớp Constellation đang được chế tạo sẽ dài khoảng 151 mét.
Sự tồn tại của con tàu chiến này lại không thực sự gây bất ngờ với giới nghiên cứu. Thời gian qua, Triều Tiên đã thúc đẩy hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang, phát triển nhiều loại vũ khí mới và thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới hầu hết lãnh thổ Mỹ.
Hình ảnh con tàu từng xuất hiện trong bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) vào cuối năm 2024, trong một phóng sự về phiên họp toàn thể cuối năm của đảng Lao động. Hình ảnh cho thấy ông Kim Jong-un đang thị sát quá trình thi công con tàu.
Hình ảnh trong video của KCTV cho thấy con tàu chiến có thể được trang bị các loại vũ khí mà hải quân hiện đại sở hữu, gồm các ống phóng thẳng đứng có thể dùng để phóng nhiều loại tên lửa.
Các nhà phân tích cũng nhận định con tàu dường như được thiết kế để lắp radar mảng pha, loại radar có thể theo dõi mối đe dọa và mục tiêu nhanh chóng, chính xác hơn nhiều so với năng lực hiện tại mà Triều Tiên từng thể hiện.
Khả năng chế tạo tàu chiến của Triều Tiên
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 3, nghị sĩ Hàn Quốc Kim Byung-kee, thành viên Ủy ban Tình báo của Quốc hội, đặt nghi vấn liệu Bình Nhưỡng có đủ khả năng kỹ thuật để chế tạo tàu chiến hiện đại, hay có đủ cơ sở hạ tầng để vận hành hay không.
Ông bình luận: "Nếu Triều Tiên trang bị cho tàu hộ vệ mới loại tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mà nước này tuyên bố đã thử nghiệm thành công hồi tháng 1, điều đó sẽ tạo ra tác động thay đổi cuộc chơi trong an ninh khu vực".
Sau khi xem ảnh vệ tinh, ông Carl Schuster, nguyên Đại tá Hải quân Mỹ và nhà phân tích tại Hawaii, cho rằng có khả năng phải mất ít nhất một năm hoặc hơn thì con tàu mới có thể tiến hành thử nghiệm trên biển. Ông nói: "Tiến độ đóng con tàu này đang bị chậm lại do thiếu các cấu trúc thượng tầng, hệ thống cảm biến và vũ khí cần được lắp đặt".
Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) trong một báo cáo năm 2021, Hải quân Triều Tiên có khoảng 400 tàu tuần tra chiến đấu và 70 tàu ngầm. Dù số lượng tàu khá lớn, phần lớn trong số đó đều được đánh giá là cỡ nhỏ và đã cũ.
Ông Joseph Dempsey, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết trong một bài đăng trên blog hồi tháng 1 rằng Bình Nhưỡng chỉ có hai tàu chiến mặt nước chủ lực. Đó là các tàu hộ vệ lớp Najin - tàu chiến 1.600 tấn từ đầu những năm 1970.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un đang thúc đẩy hiện đại hóa hạm đội hải quân. Triều Tiên cũng đang phát triển các tên lửa phóng từ tàu ngầm cùng với tàu ngầm để mang chúng.
Vào tháng 9, ông Kim Jong-un đã thị sát một địa điểm dành cho cảng hải quân mới. Ông nói lúc đó: “Giờ đây, khi chúng ta sắp sở hữu các tàu chiến mặt nước cỡ lớn và tàu ngầm vốn không thể neo đậu tại các cơ sở hiện có, nên xây dựng một căn cứ hải quân để vận hành các tàu chiến hiện đại cỡ lớn đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết”.
Ông Yu Yong-won, một nghị sĩ Hàn Quốc, cho rằng con tàu đang được đóng tại xưởng Nampo chỉ là một ví dụ trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân của ông Kim Jong-un. Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở cảng Sinpo của Triều Tiên và một tàu hộ vệ hoặc khu trục khác đang được chế tạo ở Chongjin.
Hàn Quốc và Mỹ hợp tác đóng tàu với NSC là trọng tâm
Theo Yonhap, vào ngày 25/4, các quan chức an ninh cấp cao của Hàn Quốc và Mỹ cũng đã nhất trí về việc thúc đẩy hợp tác toàn diện liên chính phủ trong lĩnh vực đóng tàu. Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của hai nước sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực này. Thông được NSC của Hàn Quốc chia sẻ cùng ngày.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo và người đồng cấp Mỹ Alex Wong đã đạt được thỏa thuận trong các cuộc hội đàm tại Washington. Tại đây, hai bên cũng nhất trí sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ chung của hai đồng minh.
"Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu nhằm tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh hàng hải", NSC Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ thúc đẩy, mở rộng hơn nữa các biện pháp hợp tác để đảm bảo rằng năng lực của quân đội Hàn Quốc và Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc có thể đạt được hiệu quả phối hợp một cách hiệu quả hơn nữa.
Cuộc hội đàm lần này là bước tiếp theo sau cuộc điện đàm giữa Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng này, cũng như các cuộc tham vấn giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Shin Won-sik với các quan chức Mỹ hồi tháng trước.