Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), người phát ngôn trên cũng bác bỏ nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng 80% nền kinh tế Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Quan chức này cho rằng hành động áp trừng phạt để gây sức ép của Mỹ không hề thay đổi mà diễn biến theo hướng tiêu cực hơn. Theo người phát ngôn, việc đạt được phi hạt nhân hóa sẽ rất khó khăn chừng nào chính trường Mỹ còn nhiều nhà hoạch định chính sách giữ lập trường thù địch với Triều Tiên.
Người phát ngôn nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ trước lệnh trừng phạt của Washington và Triều Tiên không phải là quốc gia mà Mỹ có thể dễ dàng tấn công nếu muốn.
Trước đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã kêu gọi người dân nước này sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước thay vì hàng nhập khẩu để xây dựng một "nền kinh tế tự lực" trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tờ báo cũng lưu ý việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sẽ khiến đất nước phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời kêu gọi người dân nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi thách thức và sản xuất ra những hàng hóa tầm cỡ thế giới thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội đầu năm nay, trong khi Bình Nhưỡng đến nay vẫn không hồi đáp lời kêu gọi liên tiếp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về nối lại đối thoại nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa.
Ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn mối đe dọa "bất thường và đặc biệt" từ các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong thông báo gửi tới Quốc hội Mỹ, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục "tình trạng khẩn cấp quốc gia" liên quan tới vấn đề Triều Tiên vốn đã từng được tuyên bố trong sắc lệnh 13466 ban hành hồi tháng 6/2008. Sắc lệnh này kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia này.