Triển vọng đàm phán Iran với P5+1

Theo lịch trình, ngày 20/11 tới, phái đoàn Iran và đại diện 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (gọi tắt là Nhóm P5+1) sẽ nối lại đàm phán ở Geneva để bàn thảo về một thỏa thuận chuyển tiếp liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.


Tiết lộ điều khoản thỏa thuận


Dẫn các nguồn tin ngoại giao, báo Haaretz (Israel) ngày 17/11 cho biết: Thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran sẽ bao gồm việc ngừng xây dựng lớn bên trong lò phản ứng nước nặng Arak, đóng băng các hoạt động làm giàu urani và đặt chương trình hạt nhân của Iran dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế - có thể là việc thanh sát hàng ngày trong một số trường hợp cần thiết. Thông tin này được đưa ra tại thời điểm xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi.

Quang cảnh đàm phán giữa đại diện Iran và Nhóm P5+1 hôm 8/11 tại Geneva.


Tại Israel, tuy vẫn giữ thái độ phản đối, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã bắt đầu nói đến khả năng về một thỏa thuận giữa Iran với Nhóm P5+1. Phát biểu hôm 17/11, ông Netanyahu cho biết, “chúng tôi nắm được thông tin rằng các nước, giới đầu tư, các tập đoàn đã sẵn sàng nhảy vào Iran do đoán biết trước khả năng dỡ bỏ cấm vận".


Đáng chú ý, những điểm then chốt trong dự thảo đề xuất mà tờ Haaretz đưa ra cũng chính là yêu cầu mà Pháp – nước giữ quan điểm được cho là cứng rắn nhất, nhắm đến. Phát biểu trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Netanyahu ngày 17/11 khi ở thăm chính thức Israel, Tổng thống Francois Hollande nêu rõ: Pháp ủng hộ một thỏa thuận tạm thời với điều kiện 4 điểm: đặt ngay toàn bộ cơ sở hạt nhân của Iran dưới sự giám sát của quốc tế, ngừng hoạt động làm giàu tới cấp độ 20%, giảm kho nguyên liệu hạt nhân hiện nay và ngừng xây dựng nhà máy nước nặng Arak.


“Cả hai cùng thắng”?


Thông tin về những đề xuất trên được tiết lộ trong bối cảnh Nhà Trắng đang cố gắng thuyết phục Quốc hội dừng áp đặt các lệnh cấm vận mới. Các nguồn tin tại Washington cho biết, Tổng thống Barack Obama dự định sẽ mời các thủ lĩnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở lưỡng viện đến Nhà Trắng để thảo luận về chi tiết thỏa thuận này. Tại Quốc hội Mỹ, ý tưởng đòi tăng cường trừng phạt Iran hiện đã lắng xuống sau khi TNS John McCain bày tỏ quan điểm cá nhân “tuy nghi ngờ về đàm phán với Iran, nhưng tôi vẫn sẵn lòng để cho chính quyền Obama có khoảng thời gian một vài tháng”.


Tại Iran, Thứ trưởng Ngoại giao, nhà đàm phán cấp Iran Abbas Araqchi nhìn nhận, đây sẽ là cuộc hội đàm "rất khó khăn". Ông Araqchi cho rằng vòng đàm phán sẽ không đạt thỏa thuận nào "nếu không có sự đảm bảo các quyền của Nhà nước Iran đối với chương trình hạt nhân và làm giàu urani”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Navad Zarif đã có cách cắt nghĩa khôn khéo về quyền này, khi ông nói rằng: “Chúng tôi xem quyền làm giàu urani là không thể đàm phán, nhưng chúng tôi thấy không cần thiết để buộc phải công nhận đó là ‘quyền’”.


Giới phân tích nhận định, khả năng đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp giữa Iran và Nhóm P5+1 có thể coi là một dạng của phương thức ngoại giao “cùng thắng” (win-win solution), thay vì “ai sẽ thắng ai”. Thỏa thuận sẽ giúp Iran thoát khỏi các lệnh cấm vận vốn làm nền kinh tế nước này thiệt hại 150 triệu USD mỗi ngày - chỉ tính riêng tiền xuất khẩu dầu mỏ. Ngoài ra, Tehran cũng được phép tiếp cận khối tài sản 15-20 tỉ USD bị phong tỏa trước đây.


Đối với Mỹ, giải quyết thành công điểm nóng Iran bằng giải pháp ngoại giao được cho là bước đi khôn khéo, giúp Mỹ lấy lại vị thế ở Trung Đông. Quan trọng hơn, từ thỏa thuận với Tehran, Washington sẽ có điều kiện thuận lợi để xử lý vấn đề Syria theo đúng như những gì ông Javad Zarif đã từng bày tỏ: “Nếu chúng tôi xử lý được vấn đề hạt nhân, nó sẽ mở đường tiến đến giải pháp cho các vấn đề khác”. Nói cách khác, khi đó Damascus dường như chỉ có một điểm tựa duy nhất là Moskva, mà nước xa nhiều khi không cứu được lửa gần!


Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN