Trẻ em Thụy Điển “tiếm quyền” bố mẹ

Năm 1979, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên cấm đánh trẻ em. Luật cấm đánh trẻ em có sự khởi đầu khá suôn sẻ ở nước này, tuy nhiên, cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm dường như đã đi quá xa khi trẻ em Thụy Điển giờ trở thành những “trùm sò” trong gia đình.


Cư xử quá đà


Chuyên gia tâm thần học David Eberhard phàn nàn: “Trẻ con Thụy Điển thực sự thô lỗ. Chúng hét ầm ĩ khi người lớn đang nói chuyện trong bữa ăn”.

Marie Maerestad và chồng cùng hai cô con gái tại nhà.


Ông Eberhard gần đây có xuất bản một cuốn sách “Trẻ con tiếm quyền thế nào?” trong đó cho rằng, luật cấm đánh trẻ em giờ đã trở thành luật cấm uốn nắn trẻ em dưới mọi hình thức. Theo ông Eberhard, tất nhiên bố mẹ cần phải lắng nghe con trẻ nhưng ở Thụy Điển, có một vấn đề rằng trẻ con là người quyết định mọi thứ trong gia đình, từ chuyện lúc nào đi ngủ, ăn cái gì, đi nghỉ ở đâu cho đến xem gì trên tivi.


Ông Eberhard nhận định, chính cách tiếp cận thoải mái này trong nuôi dạy con đã khiến trẻ em Thụy Điển không được trang bị tốt cho giai đoạn trưởng thành mà nguyên nhân là “chúng kỳ vọng quá cao trong khi cuộc sống lại quá khắc nghiệt”. Hậu quả là chứng rối loạn cảm xúc và tự làm tổn thương bản thân trong giới trẻ Thụy Điển ngày càng tăng.


Luận điểm của ông Eberhard không phải là không có lý khi mà trẻ em Thụy Điển ngày càng cư xử quá đà, không chỉ ở nhà mà còn ở trường học. Khi một nhà báo viết bài về cảnh hỗn loạn ông chứng kiến tại trường học của con trai, trang web của tờ báo ngay lập tức tràn ngập hàng trăm bình luận của các ông, bố bà mẹ và giáo viên vốn quá bực tức với bọn trẻ.


Dạy con là vấn đề chính trị?


Theo nhà trị liệu gia đình Martin Forster, nuôi dạy con đã trở thành một vấn đề mang tính chính trị nhiều hơn. Những cuộc tranh luận công khai về thế nào là dạy con đúng có thể khiến các bậc cha mẹ rối bời.


Sau một điều tra của chính phủ về phúc lợi xã hội năm 2010, chính quyền nhiều địa phương ở Thụy Điển đã mở khóa học làm cha mẹ miễn phí mang tên “Mọi trẻ em ở vị trí trung tâm” để hỗ trợ họ trong quá trình “đấu tranh” với con cái.


Thông điệp chính của khóa học là trừng phạt trẻ em không khiến chúng cư xử tốt hơn về lâu dài và việc đặt ra các ranh giới không phải lúc nào cũng đúng.


Marie Maerestad và chồng tham gia khóa học này ở Stockholm năm 2012 khi hai cô con gái của họ lên hai và ba tuổi. Vợ chồng cô đau đầu vì cứ tới giờ ăn là hai đứa chạy lung tung và kéo đồ chơi quanh bàn ăn. Bà mẹ Marie, 39 tuổi, than vãn: “Chúng tôi lúc nào cũng phải cằn nhằn chúng. Chúng đánh lộn rất nhiều. Chúng tôi thường cãi vã vào buổi sáng khi đến giờ thay quần áo. Con bé thì nổi cơn tam bành và không có cách nào xử lý hiệu quả”. Sau một thời gian dài mệt mỏi với con cái, Marie cho rằng cần phải tìm kiếm lời khuyên hoặc mẹo nào đó từ chuyên gia.


Khóa học đã giúp vợ chồng Marie nói chuyện hiệu quả hơn với con cái nhưng cô cũng phải thừa nhận rằng trẻ con Thụy Điển thường có xu hướng lấn lướt bố mẹ. Không riêng vợ chồng Marie mà nhiều cặp vợ chồng Thụy Điển khác cũng phải công nhận sự thật này.


Tuy nhiên, nhà tâm lý Kajsa Loenn - Rhodin không đồng tình với ý kiến cho rằng trẻ con đang làm “vương tướng” trong nhà. Theo bà, vấn đề lớn hơn là trẻ con bị đối xử tồi tệ hoặc được nuôi dạy khắc nghiệt. Nhà tâm lý khuyên các bậc cha mẹ: “Nếu bạn muốn con hợp tác, cách tốt nhất là tạo dựng mối quan hệ gần gũi để con trẻ từ đó sẽ muốn hợp tác với bạn”.


Trong khi đó, ông Hugo Lagercrantz, giáo sư nhi khoa bệnh viện Đại học Karolinska, cho rằng phụ huynh Thụy Điển bị ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng dân chủ và bình đẳng trong xã hội. Họ không nên quá dân chủ như thế mà nên hành động với vai trò là bố mẹ, đưa ra quyết định và không phải lúc nào cũng dễ dãi với con cái.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN