Số phận của lệnh cấm áp thuế với “giao dịch điện tử” sẽ được WTO quyết định vào tuần tới bởi kỳ hạn của văn kiện này là cuối năm 2019. Có 21 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Canada, đã đề nghị kéo dài lệnh cấm ít nhất 6 tháng.
Kênh CNBC ngày 7/12 đưa tin rằng có nhiều ý kiến phản ánh lệnh cấm này ưu ái các quốc gia giàu có bởi nó nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ. Tuy nhiên, trong tình hình ngày càng có nhiều bộ phim, cuốn sách được số hóa thì áp lực gỡ bỏ lệnh cấm này ngày càng gia tăng.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đã tiếp cận với tài liệu của Ấn Độ và Nam Phi gửi WTO, trong đó có đề cập đến việc máy in 3D có tiềm năng tạo ra nhiều sản phẩm do vậy cần phải xem xét lại lệnh cấm áp thuế nhập khẩu đối với “giao dịch điện tử”.
Việc áp thuế đối với “giao dịch điện tử” có thể gặp khó khăn bởi quá trình xác định nguồn gốc của các sản phẩm điện tử hoặc đánh giá liệu chúng có được coi là nhập khẩu hay không vẫn chưa rõ ràng.
Tổng thư ký Phòng Thương Mại Quốc Tế (ICC) John Denton đánh giá: “Làm thế nào để áp thuế đối với một byte? Bạn sẽ giữ hàng triệu dữ liệu qua nhiều nguồn xuyên biên giới các quốc gia mỗi phút, mỗi ngày bằng cách nào?”.
Nhưng ngay cả khi lệnh cấm hết hiệu lực thì cũng không đồng nghĩa thuế sẽ ngay lập tức áp đặt lên hàng hóa điện tử. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng phần thu lợi từ việc dỡ lệnh cấm này có thể khá nhỏ và mức thuế có thể đẩy giá sản phẩm cao hơn.