Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2022 tại Sân vận động Quốc gia ở Bắc Kinh hôm 4/2, một người phụ nữ mặc trang phục hanbok màu trắng pha tím nhạt đã đi diễu hành cùng với nhiều nghệ sĩ khác. Những nghệ sĩ này đều mang theo quốc kỳ Trung Quốc, đại diện cho 56 dân tộc của quốc gia này.
Sự xuất hiện của trang phục hanbok tại sự kiện thể thao lớn đã gây ra làn sóng bất bình trong giới chính trị gia Hàn Quốc. Họ cáo buộc Bắc Kinh “chiếm đoạt” văn hoá của người Hàn Quốc. Ông Lee Jae-myung, ứng cử viên của đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sắp tới, đã lên án hành vi “đánh cắp văn hóa” của Trung Quốc. Ông viết trên Facebook vài giờ sau sự kiện: “Đừng thèm muốn văn hóa của quốc gia khác”.
Chính trị gia Park Chan-dae, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Lee, cũng cáo buộc Trung Quốc đang nỗ lực biến hanbok thành di sản văn hoá của mình. Ông khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc đối với các di sản văn hóa Hàn Quốc đã trở thành một “vấn đề vô cùng nghiêm trọng”. “Chúng tôi không thể phớt lờ hành vi đánh cắp văn hoá Hàn Quốc ở một sân chơi như Thế vận hội”, ông Park nói trong cuộc họp báo.
Chính trị gia Yoon Suk-yeol cũng cáo buộc Bắc Kinh “thiếu tôn trọng” trong quyết định trình diễn trang phục và kêu gọi chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc xin lỗi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Hwang Hee, quan chức tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, cho biết Seoul không có kế hoạch khiếu nại chính thức với Bắc Kinh về vấn đề trang phục gây tranh cãi. Ông nói thêm rằng vấn đề này “có thể gây hiểu lầm” giữa hai quốc gia.
Trước những tranh luận dữ dội, một số người Hàn Quốc cho rằng phản ứng tức giận của các chính trị gia là sai lầm. Họ cho rằng rõ ràng người phụ nữ mặc hanbok đại diện cho khoảng 2 triệu người gốc Hàn sống ở Trung Quốc. Bà Kang Min-jin, một thành viên của Đảng Công lý tiến bộ, cho biết người phụ nữ mặc hanbok có thể là một đại diện có ý nghĩa cho người gốc Hàn sống tại Trung Quốc.
“Hanbok không chỉ thuộc về chúng ta, mà còn là của những người Hàn sinh sống ở Trung Quốc. Họ cũng có quyền được tôn trọng về văn hóa và trang phục”, bà Kang nói trên Facebook. “Nếu hanbok bị loại khỏi lễ khai mạc trình diễn trang phục truyền thống của nhiều dân tộc sống ở Trung Quốc, thì người Trung Quốc gốc Hàn sẽ cảm thấy thế nào?”.
Làn sóng tranh cãi diễn ra trong bối cảnh công chúng Hàn Quốc gần đây rất nhạy cảm về những tuyên bố của Trung Quốc về nguồn gốc của các di sản văn hoá trên mạng xã hội, bao gồm kim chi. Người Trung Quốc gọi món ăn nổi tiếng làm từ cải thảo lên men này là pao cai và tuyên bố đây là món ăn truyền thống của đất nước mình. Họ cũng cho rằng hầu hết kim chi tiêu thụ ở Hàn Quốc đều được sản xuất ở Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc đã chỉ trích tuyên bố trên và cáo buộc các tờ báo Trung Quốc đang “cố tình biến kim chi thành món pao cai”.