Theo đài truyền hình CNN, Lena Bychcova - một nhân viên marketing - cùng với những người khác trong đoàn đã bắt chuyến bay của hãng hàng không Air Koryo xuất phát từ Vladivostok hạ cánh xuống sân bay Bình Nhưỡng vào ngày 9/2.
Mặc dù thừa nhận khá hồi hộp trước chuyến đi song Lena không thể giấu nổi sự tò mò khi du lịch tại một quốc gia mà ít ai có cơ hội khám phá.
Ilya Voskresensky – một người làm nội dung trên nền tảng Youtube chuyên về du lịch – cũng tham gia chuyến đi và chia sẻ cảm nhận tương tự như Lena. Anh cho biết mục đích chuyến đi để kiểm chứng xem Triều Tiên hiện đại có khác gì so với những gì được kể.
Chuyến du lịch kéo dài 4 ngày có chi phí khoảng 750 USD/khách. Khoản phí này bao gồm chuyến bay khứ hồi từ Vladivostok đến Bình Nhưỡng và xe buýt đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, nằm trên đỉnh núi Taehwa cao 1.360 m, cách Bình Nhưỡng khoảng 3,5 giờ lái xe về phía Đông.
Đi theo đoàn là hướng dẫn viên nói tiếng Nga và người phiên dịch. Hành trình tham quan bao gồm các bức tượng đồng của cố lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il trên đồi Mansu, Cung thiếu nhi Mangyongdae và 3 ngày tại Khu trượt tuyết Masikryong.
Tại Triều Tiên, cá nhân đi du lịch một mình là không được phép và các nhóm du khách thường có những người đi theo nhắc nhở để các du khách không vi phạm quy định luật lệ của quốc gia. Nhóm du khách Nga cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt, đặc biệt đối với vấn đề chụp ảnh và quay video.
Cô Lena cho biết: “Chúng tôi được yêu cầu không chụp ảnh binh sĩ, quân đội, không chụp ảnh các công trường xây dựng hoặc bất kỳ tòa nhà nào đang được xây dựng. Có những quy định về cách chụp ảnh nói chung và chụp chân dung tượng của các nhà lãnh đạo nói riêng”.
Lena cho hay những ấn phẩm báo giấy in hình nhà lãnh đạo Triều Tiên trở thành món đồ lưu niệm yêu thích của cô. Những ấn phẩm này không bày bán quá nhiều. Có hai cửa hàng, một ở sân bay và một ở thủ đô, du khách có thể mua búp bê, miếng dán nam châm lưu niệm và đồ chơi xếp hình Lego.
Cả Lena và Voskresensky đều nói rằng họ quyết định du lịch Triều Tiên không phải vì mục đích chính trị. Họ đến Triều Tiên với mong muốn tìm hiểu người dân địa phương và thiết lập các mối quan hệ. Cả hai đều mong muốn được quay trở lại Triều Tiên vào một ngày nào đó nhưng khi tình hình chính trị thay đổi.
“Thông điệp chính trong nội dung sáng tạo của tôi là ở bất cứ đâu, bất kể quốc gia nào, bất kể quốc tịch nào, đều là những người bình thường sống ở đó và bạn nên đối xử yêu thương với mọi người ở mọi nơi”, blogger Voskresensky bày tỏ.
Nhóm du khách Nga thứ hai tới Triều Tiên dự kiến sẽ xuất phát vào tháng 3/2024.
Việc nối lại du lịch cho công dân Nga tới Triều Tiên được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau cuối năm 2023. Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên hiện nay là củng cố quan hệ với Nga.