Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, Tổng thống Saied tuyên bố ông tôn trọng hiến pháp dân chủ năm 2014 nhưng văn bản này không phải là vĩnh cửu và có thể được sửa đổi trong khuôn khổ hiến pháp. Theo một trong những cố vấn của ông Saied, vị tổng thống này đang có kế hoạch đình chỉ hiến pháp hiện hành và đưa ra một phiên bản sửa đổi thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, kéo theo làn sóng phản đối của các đảng phái chính trị và Liên đoàn Lao động hùng mạnh của Tunisia (UGTT).
Ý định của Tổng thống Saied đã gây ra sự lo lắng ngày càng gia tăng cả trong nội bộ Tunisia cũng như đối với các nước phương Tây ủng hộ tài chính công của nước này, kể từ khi ông sa thải Thủ tướng và đình chỉ hoạt động của quốc hội vào ngày 25/7. Ông biện minh cho những động thái của mình bằng cách viện dẫn các biện pháp khẩn cấp trong hiến pháp mà những người chỉ trích và nhiều học giả pháp lý không ủng hộ.
Cũng trong ngày 11/9, Tổng thống Saied cho biết thêm rằng ông sắp bổ nhiệm một chính phủ mới. Trong tuần này, các đại sứ Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thúc giục ông nhanh chóng hoàn tất công việc này và quay trở lại "trật tự hiến pháp, trong đó một quốc hội được bầu lên đóng vai trò quan trọng."
Các đồng minh phương Tây của Tunisia là những nước tài trợ quan trọng nhất giúp hỗ trợ ngành tài chính công của nước này trong thập kỷ qua do nền kinh tế Tunisia sụp đổ kể từ sau cuộc cách mạng mùa Xuân Arab năm 2011.
Kể từ tháng 1/2021, Tunisia đã rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Hisham al-Mashishi về một cuộc cải tổ chính phủ. Đất nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, trong khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh giữa lúc có cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế. Mới đây nhất, ngày 25/7, Tổng thống Saied đã giải tán chính phủ của Thủ tướng Mechichi và đình chỉ hoạt động của quốc hội. Một ngày sau đó, Tổng thống Saied đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Ibrahim Bartaji và quyền Bộ trưởng Tư pháp Hasna Ben Slimane.