Tổng thống Trump từng mời Ngoại trưởng Iran tới Nhà Trắng trước khi hạ lệnh trừng phạt

Truyền thông Mỹ đưa tin ít tuần trước khi Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif đã được mời đến nói chuyện với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

Theo đài Sputnik, hiện cả Mỹ và Iran đều chưa đưa ra bình luận về tin đồn trên. Trước đó, tờ New Yorker dẫn các nguồn tin của Iran và Mỹ cùng một nhà ngoại giao thạo tin cho hay quan chức Bộ Ngoại giao Iran đã nhận được lời mời đến Nhà Trắng hồi tháng 7, khi căng thẳng giữa Tehran và Washington đạt đến đỉnh điểm. 

Lời mời trên do Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul đề xuất. Ông Paul đã thảo luận về ý tưởng này với Tổng thống Trump trong lúc cùng chơi golf tại Virginia ngày 14/7. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammed Java Zarif. Ảnh: AP

Ngày hôm sau, ông Paul – thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - được cho là đã gặp ông Javad Zarif ở New York, tại tư dinh của Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc, và đưa ra lời đề nghị trên. 

Theo các nguồn tin, hai bên đã thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran, về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 và về tình hình leo thang tại Vịnh Ba Tư liên quan đến các vụ tấn công tàu chở dầu.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao sắp sửa biến thành một cuộc đối đầu quân sự, với việc ông Trump hủy lệnh không kích vào phút cuối, ông Rand Paul đã thể hiện mong muốn giúp giảm bớt căng thẳng. 

Theo tờ New Yorker, nói với nghị sĩ Mỹ Rand Paul, Ngoại trưởng Zarif đã đưa ra loạt gợi ý về cách để phá vỡ bế tắc dối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng như là cách để xử lý một số mối lo lắng của ông chủ Nhà Trắng. Một trong những ý tưởng được đề xuất chính là việc Tehran có thể hợp pháp hóa một sắc lệnh do Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei ban hành năm 2003 và 2010, trong đó cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Ngoài ra, có khả năng ông Mohammed Java Zarif đã đề cập đến việc phê chuẩn Nghị định thư bổ sung, cho phép các thanh sát viên “tiếp cận bổ sung bất kỳ địa điểm nào tại Iran”. Đổi lại, nhà ngoại giao Iran được cho là đã gợi ý ông Trump nên yêu cầu Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. 

Dựa trên các nguồn tin giấu tên, Thượng nghị sĩ Rand Paul gợi ý ông Zarif nên tự trình bày suy nghĩ của mình trực tiếp với Tổng thống Trump, vì ông chủ Nhà Trắng đã ủy quyền cho ông để mời Ngoại trưởng Iran đến Nhà Trắng trong tuần đó. Tuy nhiên, ông Zarif đã trả lời rằng ông không thể tự quyết định gặp ông Trump mà không xin ý kiến của Tehran trước, đồng thời lo ngại cuộc gặp sẽ không đi đến đâu. 

Vì vậy, cuộc gặp trên chưa từng xảy ra. Giới chức Washington và Tehran đều chưa phản hồi về thông tin này. 

Căng thẳng dâng cao

New Yorker đã đăng bài báo trên ít ngày sau khi Bộ Tài chính thông báo trừng phạt Ngoại trưởng Iran (hôm 31/7). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mô tả quyết định này là một “thông điệp rõ ràng” đối với Tehran rằng “cách hành xử gần đây của nước này hoàn toàn không chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Iran nhanh chóng phản ứng về động thái trên, cảm ơn Washington đã “đánh giá cao” ông là mối đe dọa lớn đối với chương trình nghị sự của nước này. 

Những diễn biến “đổ dầu vào lửa” trên xảy ra khi Mỹ gia tăng gây sức ép tối đa với Iran và đang vận động các nước châu Âu, châu Á cùng tham gia liên minh hải quân quốc tế do Washington lãnh đạo để chống lại Tehran. 

Theo kế hoạch, chiến dịch tuần tra “Operation Sentinel” sẽ diễn ra tại Vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Oman để đảm bảo an ninh hàng hải tại đây. 

Quan hệ song phương giữa Washington và Tehran đã rơi xuống vực thẳm kể từ tháng 5/2018, khi ông Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA cũng như khôi phục lại toàn bộ các lệnh trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Một năm sau ngày Mỹ ra quyết định trên, Iran tuyên bố sẽ dừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận, song nhấn mạnh nước này không có chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Đến Eo biển Hormuz, các nước châu Âu sẽ chấp nhận rủi ro gì?
Đến Eo biển Hormuz, các nước châu Âu sẽ chấp nhận rủi ro gì?

Sáng kiến do Anh đề xuất về một liên minh hải quân tại Eo biển Hormuz không chỉ khiến Iran lo lắng mà còn cả châu Âu. Liệu Pháp, Đức và Bỉ có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao khác thay cho kế hoạch đầy khiêu khích của Anh và Mỹ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN