Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời hai nguồn tin cho hay: “Khi Tổng thống Trump tập trung vào chiến dịch tái tranh cử, ông đã giảm quan tâm đối với vấn đề này”.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ kể từ khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2/2019.
Theo nguồn tin kể trên, các thành viên trong ban chiến dịch tái tranh cử của ông Trump dường như không xem Triều Tiên là yếu tố quan trọng đối với kỳ bầu cử ở Mỹ.
Một quan chức nắm rõ về những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Trump đối với vấn đề Triều Tiên tiết lộ với CNN rằng các cuộc đàm phán hiện “đã chết”. Một quan chức khác nói thêm đội ngũ thân cận của ông chủ Nhà Trắng hiện nay không còn hào hứng với việc theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với quốc gia Đông Bắc Á này mà tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng dường như không quan tâm đến việc nối lại đàm phán trừ khi Washington tuyên bố dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với nước này trước – điều ít khả năng xảy ra.
Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đã nhất trí gặp mặt lần đầu tiên hồi tháng 6/2018 và cam kết hướng tới hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy các cam kết an ninh từ phía Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đã kết thúc trong bế tắc sau khi ông Trump từ chối đề nghị giải giáp một phần của Triều Tiên và đổi lại việc dỡ bỏ trừng phạt.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ lần thứ 3 tại Khu phi quân sự liên Triều tháng 9/2019. Sau đó, hai ông đã nhất trí khởi động lại các vòng đàm phán cấp chuyên viên trong vài tuần. Cuộc đàm phán như cam kết đã diễn ra tại Thụy Điển một tháng sau, song cũng không đạt nhiều tiến triển. Tại thời điểm đó, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng về kết quả cuộc đàm phán mới nhất.
Tuy nhiên, ông Stephen Biegun, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên đã không ngừng cố gắng để khơi lại đàm phán.
Trong bản thông điệp liên bang tuần trước, ông Trump không hề nhắc tới Triều Tiên. Tại lần đọc thông điệp thứ nhất, ông đã mời một người đào tẩu khỏi Triều Tiên đến tham dự. Trong lần đọc thông điệp liên bang thứ hai, ông thông báo thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai với ông Kim Jong-un.
Ngày 21/1, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ các cam kết không thử tên lửa và hạt nhân, viện dẫn những biện pháp trừng phạt hà khắc của Chính phủ Mỹ với nước này. Phát biểu tại Hội nghị về giải trừ vũ khí do Liên hợp quốc bảo trợ, Tham tán phái đoàn ngoại giao Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ju Yong-chol nêu rõ không có lý do gì mà Bình Nhưỡng phải đơn phương tuân thủ cam kết, trong khi bên còn lại không tôn trọng cam kết đó.
Ông Ju Yong-chol cáo buộc Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất với Bình Nhưỡng. Quan chức Triều Tiên cũng cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục duy trì chính sách thù địch như vậy thì tương lai phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là điều không bao giờ xảy ra.
Theo ông Ju Yong-chol, nếu Mỹ tìm cách đưa ra những đòi hỏi đơn phương và nhất định duy trì các biện pháp trừng phạt, Triều Tiên có thể sẽ tìm hướng đi mới.