Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa tuyên bố nước này đang xem xét tạm dừng tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc dàn xếp cho đến khi những rào cản về xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Moskva được dỡ bỏ.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đang đi “theo hướng một chiều” khi chưa có bất kỳ cam kết nào của phương Tây trong khuôn khổ thỏa thuận được thực hiện cho đến nay.
“Moskva có thể không còn sẵn sàng gia hạn thỏa thuận. Hãy để họ thực hiện lời hứa trước và sau đó chúng tôi sẽ ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận một lần nữa”, ông Putin nhấn mạnh.
Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, đến tháng 11/2022 được gia hạn thêm 120 ngày. Ngày 13/3 vừa qua, Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, cho đến ngày 18/5. Nga cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận sau thời hạn này nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.
Sau các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ ở Istanbul, ngày 17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết thỏa thuận ngũ cốc đã được gia hạn thêm 2 tháng, bắt đầu từ ngày 18/5.
Các cường quốc phương Tây đã áp đặt những gì họ gọi là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Trong khi xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị trừng phạt, các hạn chế của phương Tây đối với thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đặt ra rào cản đối với các chuyến hàng xuất khẩu.
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, đến nay đã có hơn 31 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mì, đã được Ukraine xuất khẩu theo tinh thần Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và các điểm đến hàng đầu là Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hà Lan, Ai Cập và Bangladesh.
Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 17/7 trừ khi Nga đồng ý gia hạn.
Yêu cầu cụ thể của Nga là Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) phải được kết nối lại với hệ thống thanh toán SWIFT, rằng nguồn cung cấp máy móc và phụ tùng nông nghiệp cho Nga cần phải được nối lại, và các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm cần phải được dỡ bỏ.
Các yêu cầu khác bao gồm nối lại đường ống amoniac Togliatti-Odessa cho phép Nga bơm hóa chất đến cảng Biển Đen chính của Ukraine, và chấm dứt việc phong tỏa tài sản và tài khoản của các công ty Nga liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón.
Theo ông Putin, không có cam kết nào trong số đó được thực hiện cho dù Nga đã từng gia hạn thỏa thuận một cách thiện chí. "Đó là trò chơi một chiều suốt thời gian qua. Không một mục tiêu nào liên quan đến lợi ích của Liên bang Nga được đáp ứng", nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ.
Tổng thống Putin cũng khẳng định cũng chưa nhận được bất cứ bức thư nào của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong tuần qua như thông tin đã đưa. Trước đó, Liên Hợp Quốc cho biết đã gửi một bức thư của ông Guterres cho nhà lãnh đạo Nga với những đề xuất nhằm thực hiện bản ghi nhớ Nga-Liên Hợp Quốc và duy trì thỏa thuận.