Phát biểu tại cuộc họp báo được phát trên truyền hình, Tổng thống Putin cho rằng rất khó để làm việc trực tiếp với các đối tác thương mại châu Âu, trong khi làm việc với Ankara "dễ dàng hơn". Ông nhấn mạnh "Đây là dự án khá thiết thực và chúng tôi có thể thực hiện nhanh chóng".
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng cho rằng: "Sản phẩm này đang có nhu cầu lớn trên thế giới. Đây là loại khí đốt sạch nhất đối với môi trường và là nguồn năng lượng sơ cấp lý tưởng cho giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng xanh. Tôi biết rằng có nhiều người tiêu dùng muốn mua khí đốt của Nga".
Ngày 19/10 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí với đề xuất trước đó của người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc thiết lập trung tâm cung ứng khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hệ thống Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic bị hư hại hồi tháng 9. Theo Tổng thống Putin, Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến vận chuyển khí đốt đáng tin cậy tới châu Âu và hai bên sẽ cùng thiếp lập trung tâm khí đốt tại nước này, không chỉ nhằm đảm bảo cung ứng mà còn có thể giúp ổn định giá cả - một vấn đề rất quan trọng trong mua, bán khí đốt.
Giá khí đốt đã tăng vọt từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhiều nước châu Âu phải vật lộn tìm nguồn cung năng lượng thay thế sau khi Nga siết chặt việc giao hàng để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuyến dẫn khí duy nhất nối từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu là TurkStream đi qua Biển Đen, có công suất 31,5 tỷ m3/năm. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, TurkStream còn cung cấp năng lượng cho số ít quốc gia châu Âu như Serbia, Hungary, những nước được Nga coi là "thân thiện". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 12/10 cho biết Moskva sẽ xem xét xây dựng tuyến bổ sung cho TurkStream.