Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Saint Petersburg ngày 24/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại cuộc gặp kéo dài gần 4 giờ đồng hồ ở St.Petersburg, một trong những vấn đề trọng tâm được hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp thảo luận là tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi văn kiện mang tính lịch sử này. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Putin cho biết ông và Tổng thống Macron đều khẳng định lập trường chung là cần phải duy trì JCPOA. Theo ông Putin, Nga nhất trí tiến hành đàm phán với Iran trong tương lai về chương trình tên lửa và hạt nhân của Tehran sau năm 2025 cũng như hành động của Iran tại Trung Đông, tuy nhiên các cuộc đàm phán như vậy không được gây tổn hại JCPOA.
Về phần mình, Tổng thống Macron khẳng định lập trường nhất quán của Paris và các nước châu Âu khác về việc bảo vệ thỏa thuận với Iran, theo đó cho rằng JCPOA cần được bổ sung các thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran sau năm 2025 và hành động của Iran trong khu vực. Ông Macron cũng đề cập một số cơ chế mà các doanh nghiệp Pháp và các nước châu Âu khác có thể thực hiện để bảo vệ lợi ích kinh tế và hoạt động kinh tế của minh tại Iran khỏi tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Về vấn đề Syria, hai bên chú trọng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Putin và người đồng cấp Pháp nhất trí rằng cần phải thúc đẩy lập hiến pháp mới của Syria, tạo điều kiện ổn định cho khu vực. Hai bên cũng ủng hộ giải pháp ngoại giao, tiến hành các cuộc tiếp xúc theo các hình thức như cuộc đàm phán tại Astana (Kazakhstan), "nhóm nhỏ" (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Jordan và Saudi Arabia), cũng như đối thoại giữa bên đối địch tại Syria.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp cũng thảo luận việc giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Nam Ukraine, đồng thời nhất trí rằng thỏa thuận hòa bình Minsk là không thể thay thế để lập lại hòa bình. Hai bên đều ủng hộ cơ chế đàm phán "Bộ tứ Normandy" (gồm Đức, Ukraine, Nga và Pháp). Ông Macron cho rằng giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine là yếu tố then chốt để khôi phục quan hệ châu Âu-Nga.
Ngoài ra, Tổng thống Putin và Tổng thống Macron cũng thảo luận vấn đề không gian mạng và nhiều vấn đề khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga 2 ngày của Tổng thống Macron, hai bên cũng đã ký nhiều thỏa thuận tổng trị giá khoảng 1 tỷ euro.
Tổng thống Putin đánh giá cuộc gặp trên diễn ra trong không khí cởi mở và rất có ích, trong khi Tổng thống Macron cho rằng cuộc gặp thẳng thắn và rất hiệu quả.
Dự kiến, ông Macron sẽ tiếp tục tham dự các chương trình trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg trong ngày 25/5 với tư cách khách mời danh dự.