Ngày 20/12, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã đồng ý tham gia "một cuộc đối thoại vô điều kiện" nhằm chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu tại nước này.Người dân Nam Sudan tìm nơi trú ẩn tại các cơ sở của Liên hợp quốc. Ảnh: AFP |
Theo Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ Gerard Araud, cam kết trên được Tổng thống Salva Kiir đưa ra với Ngoại trưởng các nước Ethiopia, Kenya, Uganda, Djibouti và Sudan, khi họ đến thủ đô Juba của Nam Sudan trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng. Trước đó, ông Araud cho biết cựu phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar cũng đã đồng ý đối thoại, nhưng sau đó đã cải chính.
Cùng với các nước châu Phi, Mỹ cũng đã thông báo sẽ cử đặc phái viên tới Nam Sudan giúp nước này thúc đẩy hòa đàm. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 20/12 thông báo kế hoạch cử Đại sứ Donald Booth, đặc phái viên Mỹ về Sudan và Nam Sudan, tới khu vực này. Ông Kerry cho biết đã điện đàm với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir vào tối 19/12, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lãnh đạo Nam Sudan kiềm chế các nhóm vũ trang, ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, chấm dứt hàng loạt các vụ bạo lực trả đũa giữa các nhóm sắc tộc và chính trị.
Trong khi đó, bạo lực ở Nam Sudan đang tiếp tục leo thang nhanh chóng. Ngày 20/12, đã có ít nhất 20 người dân đang tạm trú tại doanh trại của Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) ở Akobo thuộc bang Jonglei bị thiệt mạng trong một vụ tấn công của các tay sung nhằm vào phái bộ. Ngoài ra, hai binh sĩ giữ gìn hòa bình LHQ người Ấn Độ đã thiệt mạng trong khi bảo vệ doanh trại cũng như tìm cách đàm phán với nhóm tấn công trên.
Theo UNMISS, cùng ngày, khoảng 2.000 thanh niên có vũ trang thuộc bộ tộc Nuer sống quanh khu vực đó đã tràn vào doanh trại trên và xả súng vào khu tạm trú của người dân thuộc bộ tộc Dinka. Những đối tượng này còn cướp vũ khí, đạn dược và các quân nhu khác trong doanh trại.
Trước tình hình trên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tiếp tục kêu gọi các nỗ lực hòa bình, đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế, ngừng các hoạt động thù địch. Cả Tổng thư ký và HĐBA LHQ đều đã lên án vụ tấn công nhằm vào doanh trại UNMISS ở Akobo "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất". Ông Ban Ki-moon cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của những người dân Nam Sudan bị giết hại, cũng như các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ tấn công và chính phủ nước này.
Trong khi đó, HĐBA cảnh báo mọi hành vi cố ý tấn công nhằm vào cá nhân, cơ sở, vật chất, thiết bị hoặc phương tiện quân sự liên quan đến các phái bộ giữ gìn hòa bình đều là vi phạm luật pháp quốc tế. HĐBA kêu gọi các nhà chức trách Nam Sudan lập tức tiến hành điều tra việc và đưa những kẻ tấn công xét xử. Phái viên LHQ tại Nam Sudan Hilde Johnson cũng đã lên án cuộc tấn công là "một hành vi tội ác" và khẳng định những kẻ thực hiện phải chịu trách nhiệm.
Sau vụ tấn công đẫm máu ở Akobo, các nước có công dân sống tại Nam Sudan đã tiếp tục tiến hành sơ tán khẩn cấp.
Ngày 20/12, văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho biết đã điều máy bay Không lực Hoàng gia C-17 thực hiện chuyến bay thứ 2 tới Nam Sudan để đưa 93 công dân về nước. Trước đó ngày 19/12, chuyến bay đầu tiên đã sơ tán 182 người, trong đó có 53 công dân Anh tới nước láng giềng của Nam Sudan là Uganda.
Cùng ngày, báo "Thời đại" của Đức đưa tin quân đội nước này đã điều máy bay vận tải Transall sơ tán người từ Juba sang vùng Entebbe ở Uganda. Trong số khoảng 100 người Đức và những người nước ngoài khác được quân đội Đức sơ tán khỏi Nam Sudan có cả Đại sứ Đức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ tình hình hiện nay ở Nam Sudan "cực kỳ nghiêm trọng", đồng thời xác nhận hiện chỉ còn 12 binh sĩ Đức tham gia sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ ở lại Nam Sudan.
Song song với Đức và Anh, các nước châu Âu khác cũng đã sơ tán công dân của mình tới nơi an toàn. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu sơ tán công nhân từ các mỏ dầu ở Nam Sudan và các doanh nghiệp khác tại đây.
Cũng trong ngày 20/12, Phái viên Trung Quốc tại LHQ Lưu Thiết Nhất đã kêu gọi các bên liên quan ở Nam Sudan có những biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt bạo lực, bảo vệ công dân và đảm bảo an toàn cho các binh sĩ. Ông Lưu Thiết Nhất cho biết Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên HĐBA thúc đẩy khôi phục an ninh, ổn định và trật tự tại Nam Sudan.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khuyến cáo công dân nước này cân nhắc các chuyến đi tới Nam Sudan trong bối cảnh bạo lực chính trị ngày một trầm trọng ở thủ đô Juba và nhiều địa phương khác của nước này.
TTXVN/Tin tức