Một sắc lệnh của Tổng thống Kiir được công bố trên truyền hình nhà nước đã tiết lộ tên của các nghị sỹ mới.
Quốc hội mới sẽ được mở rộng từ 400 lên 550 thành viên, bao gồm đại diện của tất cả các bên tham gia thoả thuận hoà bình 2018. Chính phủ chuyển tiếp cầm quyền sẽ chiếm số đông trong Quốc hội, với 332 thành viên. Tiếp đến, Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (SPLM-IO) đối lập sẽ có 128 thành viên và Liên minh đối lập Nam Sudan (SSOA) có 50 đại diện. Các đảng chính trị khác (OPP) và Các cựu tụ nhân sẽ lần lượt có được 30 và 10 đại diện.
Thành lập cơ quan lập pháp mới là một nội dung quan trọng của Hiệp định hoà bình 2018, đồng thời là điều kiện giữa Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar - người nhiều năm đứng về phe đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài năm năm, khiến 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Theo Hiệp định hoà bình 2018, tái thiết Quốc hội phải được thực hiện vào tháng 2/2020, tuy nhiên động thái này đã không thể diễn ra trong suốt thời gian qua. Việc trì hoãn kéo dài hơn một năm qua trong tái thiết hai viện của Quốc hội đã gây ra khó khăn cho Nam Sudan trong ban hành các đạo luật hỗ trợ quá trình chuyển tiếp, bao gồm cả những cải cách cần thiết đưa ra trong Hiệp định hoà bình 2018.
Trước đó, vào ngày 9/5, Tổng thống Kiir đã giải tán Quốc hội ngay trước chuyến thăm thủ đô Juba của Đặc phái viên Mỹ tại Nam Sudan Donald Booth. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc chậm thực thi Hiệp định về giải quyết xung đột ở Nam Sudan, trong bối cảnh bạo lực đang tiếp diễn, điều kiện kinh tế cũng như nhân đạo đang ngày càng trở nên tồi tệ. Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar đã thành lập chính phủ liên minh vào tháng 2/2020, nhưng một số điều khoả của thoả thuận ngừng bắn đã chưa được thực hiện, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh quay trở lại.