Ông Biden đã ký loạt sắc lệnh, bao gồm yêu cầu Bộ Nội vụ Mỹ ngừng cho thuê mới các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên các vùng đất và vùng biển công, đồng thời bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các giấy phép hiện hành về phát triển nhiên liệu hóa thạch. Trong sắc lệnh, ông Biden cũng thúc đẩy một số hành động để giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch bằng cách chỉ đạo các cơ quan đảm bảo rằng “nguồn tài trợ liên bang không trực tiếp trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch” và yêu cầu văn phòng ngân sách Nhà Trắng không hỗ trợ các khoản trợ cấp từ các yêu cầu ngân sách trong tương lai.
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng cam kết bảo tồn 30% diện tích đất và nước của liên bang đến năm 2030 và tìm cách tăng gấp đôi sản lượng điện gió ngoài khơi cũng trong thời gian này. Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ đồng thời khôi phục một hội đồng các cố vấn khoa học cho tổng thống và chỉ đạo các cơ quan chú trọng đầu tư vào các khu vực vốn có hoạt động kinh tế liên hệ mật thiết với nhiên liệu hóa thạch. Vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ các cộng đồng người dân chịu sự tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường.
Các sắc lệnh còn đề cập đến kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở trị giá 2.000 tỷ USD mà Tổng thống Biden dự kiến trình lên Quốc hội vào tháng 2 tới. Theo ông Biden, kế hoạch này được xem là nguồn năng lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai và kiến tạo hàng triệu việc làm.
Phát biểu với báo giới sau khi ký các sắc lệnh, Tổng thống Joe Biden cho rằng nước Mỹ đã chờ đợi quá lâu để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và không thể chờ đợi thêm nữa. Ông cho rằng những sắc lệnh hành pháp này là nhằm thúc đẩy kế hoạch tham vọng của chính quyền trong việc ứng phó với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định nước Mỹ phải dẫn đầu trong nỗ lực này trên toàn thế giới.
Những động thái trên đã cho thấy quyết tâm của Tổng thống Biden trong việc thực thi cam kết về chống biến đổi khí hậu. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cũng đã hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu khổng lồ Keystone XL giữa Mỹ và Canada. Mới đây nhất, ông Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu, đồng thời thông báo kế hoạch tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu giữa các nhà lãnh đạo thế giới vào ngày 22/4 tới.
Các sắc lệnh mới của Tổng thống Biden đã nhận được sự hoan nghênh của các tổ chức hoạt động vì môi trường. Ông John Morton thuộc công ty cố vấn về khí hậu Pollination cho rằng chính sách này cho thấy ứng phó với biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là ưu tiên và trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ này của chính quyền Mỹ.
Trong khi đó Chủ tịch Liên minh Năng lượng Phương Tây Kathleen Sgamma lại cho rằng đây là một hành động quá mức, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sinh kế của hàng chục nghìn người sinh sống tại các bang miền Tây. Còn ông Frank Macchiarola, Phó Chủ tịch cấp cao về chính sách, kinh tế và các vấn đề pháp lý tại Viện Dầu khí Mỹ cảnh báo lệnh tạm hoãn không có thời hạn sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với những người đang tìm cách sản xuất năng lượng ở Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Wyoming Cynthia Lummis cũng đang thúc đẩy một nỗ lực dài hơi để hạn chế Nhà Trắng ngăn cản việc cho thuê mới mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.