Theo hãng tin Reuters ngày 31/8, trước Gabon, điểm chung của 7 cuộc đảo chính là quân đội chiếm quyền không lùi bước trước sức ép của quốc tế.
Từ năm 2020, những lời lên án rộng rãi và cảnh báo can thiệp quân sự hầu như không có tác dụng gì đối với các lãnh đạo đảo chính ở Mali, Burkina Faso, Guinea, Niger và Chad. Các lệnh trừng phạt nhằm vào một số quốc gia này chỉ tác động mạnh đến người dân bình thường và dường như chỉ gây ra tâm lý phản đối mạnh mẽ can thiệp từ bên ngoài, làm quần chúng thêm ủng hộ các chính quyền quân sự.
Khi các nước thiếu những ý tưởng mới để đối phó với đảo chính, cộng với việc chính phủ Gabon đã bị giải tán và biên giới bị đóng cửa, các nhà phân tích an ninh nhận thấy rất ít khả năng lời kêu gọi của ông Bongo sẽ thành công. Họ cho rằng tình hình có thể khuyến khích các vụ đảo chính khác trong khu vực.
Ông Maja Bovcon, nhà phân tích cấp cao về châu Phi tại công ty Verisk Maplecroft (Anh), cho biết: “Điều nguy hiểm là tất cả các cuộc đảo chính này cho thấy cộng đồng quốc tế không có khả năng khôi phục chế độ dân chủ. Tôi không có nhiều hy vọng rằng lần này mọi chuyện sẽ khác đi”.
Trong khi đó, ngày 30/8 lẽ ra là ngày ăn mừng của ông Bongo. Vài phút trước thông báo đảo chính, cơ quan bầu cử Gabon tuyên bố ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26/8. Chiến thắng này sẽ mang lại cho ông nhiệm kỳ thứ ba. Nhưng thay vào đó, ông lại bị quản thúc tại gia. Ông nói trong video: “Không có gì xảy ra cả. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi kêu gọi các bạn lên tiếng. Tôi cảm ơn các bạn”.
Vẫn chưa rõ các nước trong khu vực và quốc tế sẽ phản ứng thế nào ngoài việc lên án và bày tỏ quan ngại. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat tuyên bố “cực lực lên án” cuộc đảo chính ở Gabon, mô tả hành động này là vi phạm trắng trợn các công cụ pháp lý và chính trị của AU.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án diễn biến quân đội Gabon lên nắm quyền điều hành đất nước Trung Phi sau bầu cử. Theo ông Stephane Dujarri, người phát ngôn của Tổng Thư ký, ông Guterres cực lực lên án nỗ lực đảo chính đang diễn ra, đồng thời tái khẳng định lập trường kiên quyết phản đối các cuộc đảo chính quân sự.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC) John Kirby ngày 30/8 nhấn mạnh Mỹ quan ngại sâu sắc trước biến cố đang xảy ra ở Gabon. Phát biểu họp báo, ông Kirby nêu rõ Mỹ vẫn tiếp tục là người ủng hộ nhân dân Gabon và “đang theo dõi sát sao diễn biến này.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivier Veran tuyên bố Pháp đang theo dõi sát sao tình hình tại quốc gia Tây Phi này, lên án cuộc đảo chính và muốn kết quả của cuộc bầu cử phải được tôn trọng.
Nga cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình tại Gabon. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này cũng đang theo dõi diễn biến tại Gabon và hy vọng tình hình sớm ổn định.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên tại Gabon đảm bảo an toàn cho Tổng thống Ondimba. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên tại Gabon ưu tiên lợi ích cơ bản của đất nước và nhân dân, giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và nhanh chóng khôi phục trật tự bình thường trong thời gian sớm nhất có thể. Ông cũng kêu gọi các bên duy trì hòa bình và ổn định tại nước này.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn gia tăng tại khu vực châu Phi khi xảy ra đảo chính quân sự tại Gabon. Phát biểu trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU tại Toledo (Tây Ban Nha), ông Borrell cho biết các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ thảo luận về tình hình tại Gabon.
Nhưng trong số rất nhiều lời lên án từ các quan chức cấp cao thế giới nói trên, không có ai kêu gọi công khai phục hồi chức vụ cho ông Bongo. Đây là điều khác biệt rõ rệt sau khi Niger xảy ra đảo chính ngày 26/7. Khi đó, một số người kêu gọi khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.
Ở Gabon, người dân bất mãn với ông Bongo từ lâu. Các cuộc bầu cử năm 2016 bị cộng đồng quốc tế coi là gian lận và gây ra bạo lực chết người.
Nguyên nhân gây ra cuộc đảo chính ở Gabon khác với nguyên nhân ở các quốc gia Sahel xa hơn về phía Bắc, nơi tình trạng bất ổn do phiến quân Hồi giáo gây ra đã ảnh hưởng nhiều đến dư luận. Nhưng tác động có lẽ là giống nhau, ở chỗ nó có thể dẫn đến nhiều nỗ lực đảo chính ở các quốc gia khác có tình hình chính trị tương tự Gabon.
Ở nước láng giềng Cameroon, Tổng thống Paul Biya đã cầm quyền hơn 40 năm. Còn tại Cộng hòa Congo, Tổng thống Denis Sassou Nguesso đã lãnh đạo tổng cộng 38 năm. Ông đã thay đổi hiến pháp vào năm 2015 để gia hạn giới hạn nhiệm kỳ và tái đắc cử với 88% phiếu bầu vào năm 2021.
Ông Ryan Cummings, Giám đốc phân tích của công ty Signal Risk (Nam Phi), cho biết: “Nếu nhìn vào một số chính phủ đã bị đảo chính ở châu Phi, thì đây là những chính phủ phi dân chủ, không được lòng dân và sử dụng quân đội để tăng cường quyền lực”.
Ngày 30/8, lực lượng cầm đầu cuộc đảo chính tại Gabon đã chỉ định Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon - Tướng Brice Oligui Nguema - làm Chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp và Khôi phục Thể chế (CTRI) kiêm Tổng thống lâm thời trong quá trình chuyển tiếp của quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên dầu mỏ. Theo người phát ngôn CTRI Ulrich Manfoumbi Manfoumbi, quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp có sự tham dự của các tư lệnh, tham mưu trưởng và tướng lĩnh quân đội của Gabon.