Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Dritan Abazovic đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Montenegro hồi tháng 8/2022. Theo quy định, Tổng thống Djukanovic phải giải tán Quốc hội nếu Thủ tướng được chỉ định không được chấp thuận trong vòng 3 tháng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng thời ấn định cuộc bầu cử Quốc hội mới vào ngày tiếp theo. Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Djukanovic đã phản đối Thủ tướng Miodrag Lekic do đa số nghị sĩ tại Quốc hội Montenegro chỉ định.
Ông Djukanovic đã nắm giữ các chức vụ chính trị cấp cao ở Montenegro suốt hơn 30 năm qua và đang tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 trong cuộc bầu cử vào ngày 19/3 tới. Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ phải được tổ chức trong vòng 60-100 ngày kể từ khi Tổng thống Djukanovic ban hành sắc lệnh giải tán. Ông Djukanovic đã dẫn dắt Montenegro tách khỏi nhà nước liên minh Serbia-Montenegro năm 2006, trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2017 và hướng tới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Các đối thủ cáo buộc Tổng thống Djukanovic và đảng DPS của ông tham nhũng, cũng như dính líu tới tội phạm có tổ chức, song chính trị gia này luôn một mực bác bỏ.
Theo quy định của Hiến pháp Motenegro, nguyên thủ quốc gia là vị trí chủ yếu mang ý nghĩa đại diện. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có tầm quan trọng trong quá trình thành lập nội các và đề cử Thủ tướng. Tổng thống Motenegro được bầu theo chế độ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm và không được giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Djukanovic từng có 5 nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng và được bầu làm Tổng thống Motenegro trong 2 nhiệm kỳ 1998 - 2002 và 2018 - 2023.
Những năm qua, quốc gia Balkan đã rơi vào tình trạng bị chia rẽ giữa lực lượng coi mình là người Montenegro và những nhân vật tuyên bố bản thân là người Serbia cũng như phản đối nền độc lập của Montenegro khỏi Serbia.