Theo đài RT (Nga), ngày 26/4 Tổng thống Croatia, Zoran Milanovic cho biết, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là một “hành động của lang băm rất nguy hiểm” và có thể kích động Nga. Ông Milanovic tuyên bố Zagreb sẽ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước này cho đến khi Mỹ và EU gây áp lực buộc nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đảm bảo quyền bỏ phiếu cơ bản của người dân tộc Croat.
Phát biểu với các phóng viên ở Zagreb, ông Milanovic nói: “Như tôi quan ngại, họ có thể gia nhập NATO, họ có thể dùng bút chọc vào mắt con gấu hoang”.
Ông cũng cho biết: “Tuy nhiên, cho đến khi vấn đề luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina được giải quyết, cho đến khi người Mỹ, người Anh, người Đức - nếu họ có thể và muốn - buộc Sarajevo và ông Bakir Izetbegovic cập nhật luật bầu cử trong 6 tháng tới và cấp cho người Croat quyền cơ bản của họ, Sabor (Quốc hội Croatia) không được phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ ai”.
Ông Milanovic chỉ ra rằng NATO không thể kết nạp các thành viên mới nếu không có sự chấp thuận của các thành viên hiện tại, đồng thời cho biết thêm, ông coi vai trò của Croatia tại thời điểm này là “một viên đạn bạc lịch sử”.
“Hãy để tổng thống hoặc ngoại trưởng Mỹ nghe điều này ngay bây giờ. Hãy xem họ có thể làm gì cho Croatia. Tôi đã thấy quá đủ việc họ phớt lờ và bỏ qua một thành viên NATO và EU, và gạt Croatia ra”, ông Milanovic bức xúc, và tuyên bố rằng nếu Mỹ và các đồng minh Tây Âu muốn hai quốc gia Scandinavia vào NATO, “họ sẽ phải lắng nghe Croatia”.
Hiện nay, bất bình lớn nhất của Croatia là hệ thống bầu cử hiện tại ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina, nơi có cộng đồng sắc tộc Croat được công nhận quyền bình đẳng theo hiến pháp năm 1995 để kết thúc cuộc nội chiến. Zagreb nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật luật bầu cử để người Croat ở Bosnia có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái ngược với thông lệ hiện tại là để các đại diện người Croat được bầu bởi cộng đồng lớn hơn gồm người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniak.
Ngoài vấn đề Bosnia, ông Milanovic còn liệt kê một số bất bình khác của Zagreb, như: EU từ chối thừa nhận Bulgaria và Romania tham gia hiệp ước đi lại xuyên biên giới Schengen; thiếu sự công nhận đối với tỉnh Kosovo ly khai của Serbia, và không có tiến bộ trong các cuộc đàm phán của EU với Albania và Bắc Macedonia - nơi thậm chí gần đây đã đổi tên để vượt qua sự phản đối từ Hy Lạp nhưng không có kết quả.
“Chúng tôi không yêu cầu Phần Lan hay Thụy Điển đổi tên của họ thành Ikea, mà chỉ để nói với người Mỹ rằng những điều này cần được giải quyết”, Tổng thống Milanovic nói.
Croatia trở thành thành viên NATO năm 2009 và gia nhập EU vào năm 2013, khi ông Milanovic làm thủ tướng. Chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội này đã trở thành tổng thống từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, không rõ liệu lời đe dọa phủ quyết việc mở rộng NATO của ông có diễn ra trên thực tế hay không, vì đảng HDZ theo chủ nghĩa dân tộc hiện chiếm đa số trong nghị viện Croatia.
Trước đó, ngày 26/4 tờ Guardian (Anh) dẫn truyền thông Bắc Âu đưa tin, Thuỵ Điển và Phần Lan đã nhất trí nộp đơn đăng ký thành viên NATO sớm nhất là vào giữa tháng 5.
Nhật báo Phần Lan Iltalehti hôm 25/4 cho biết Stockholm đã “đề nghị hai quốc gia bày tỏ sự sẵn sàng tham gia” vào cùng ngày và Helsinki đã đồng ý “miễn là chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định của mình”.
Tờ Expressen của Thụy Điển trích dẫn các nguồn tin chính phủ xác nhận thông tin trên. Cũng trong tháng 4 này, Thủ tướng của hai nước cho biết họ đang cân nhắc vấn đề gia nhập NATO, lập luận rằng chiến dịch của Nga tại Ukraine đã thay đổi “toàn bộ bối cảnh an ninh” của châu Âu và “định hình lại mạnh mẽ tư duy” ở khu vực Bắc Âu.
Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, sau đó nói rằng đất nước của bà, quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga, sẽ quyết định có nộp đơn gia nhập NATO hay không "khá nhanh, trong vài tuần chứ không phải vài tháng".
Người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson, thì cho biết Thụy Điển phải “chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga” và “mọi thứ đã thay đổi” khi Moskva tấn công Ukraine.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước về ý định gia nhập NATO. Điện Kremlin cho biết họ sẽ buộc phải "khôi phục cân bằng quân sự" bằng cách tăng cường phòng thủ ở Baltic, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân, nếu hai nước quyết định từ bỏ trung lập, không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ qua.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 68% người Phần Lan ủng hộ việc tham gia NATO, cao hơn gấp đôi so với con số trước xung đột Nga – Ukraine, và chỉ 12% phản đối. Cuộc thăm dò ở Thụy Điển cũng cho thấy phần lớn người dân nước ủng hộ hộ tư cách thành viên NATO.
Thuỵ Điển, Phần Lan chính thức không liên kết quân sự, nhưng đã trở thành đối tác của NATO - tham gia các cuộc tập trận và trao đổi thông tin tình báo - sau khi từ bỏ lập trường trung lập nghiêm ngặt trước đây khi gia nhập EU vào năm 1995.