Trả lời phỏng vấn tờ báo lớn nhất Brazil Folha de Sao Paulo ngày 22/5, nhà lãnh đạo đang đối mặt với áp lực không ngừng gia tăng kêu gọi ông từ chức do nghi vấn dính líu tới một vụ bê bối tham nhũng nhấn mạnh ông sẽ không rời bỏ vị trí Tổng thống, bởi việc từ nhiệm chẳng khác nào ông thừa nhận có tội.
Người dân Brazil hồi tuần trước đã đón nhận một thông tin "sốc" khi cựu Chủ tịch tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS Joesley Batista giao nộp cho cơ quan điều tra một đoạn băng ghi âm cho thấy ông Temer đã ra lệnh "lót tay" cho cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, người đang thụ án tù 15 năm vì tội nhận hối lộ, để nghị sĩ này không khai báo các thông tin có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng tiền tỷ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Tổng thống Michel Temer phát biểu trong một cuộc họp. THX/TTXVN |
Tuy nhiên, Tổng thống Temer đã yêu cầu Tòa án Tối cao Brazil ngừng điều tra cáo buộc này tới khi xác minh được các chứng cứ. Dự kiến, trong tuần này tòa sẽ đưa ra quyết định có hay không việc hoãn điều tra theo kháng nghị của ông Temer cho tới khi xác minh được tính xác thực của đoạn băng.
Trong khi đó, ông Ricardo Molina, một chuyên gia riêng trong nhóm chuyên gia do ông Temer thuê để thẩm định nội dung đoạn băng ghi âm cùng ngày cho biết đoạn băng dài 38 phút “rõ ràng đã bị chỉnh sửa” với “ít nhất 70 điểm bất thường". Do đó, đây không thể được sử dụng như một bằng chứng chống Tổng thống Temer.
Dù vậy, vụ bê bối nói trên đang đe dọa làm tan rã liên minh cầm quyền của Tổng thống Temer, cũng như khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh trở nên bấp bênh do nhà lãnh đạo này đang phải nỗ lực để cứu vãn vị thế chính trị của mình, chỉ một năm sau khi Tổng thống tiền nhiệm Dilma Rousseff bị bãi nhiệm vì liên quan các bê bối tham nhũng.
Trước đó, hồi cuối tuần qua, hàng nghìn người dân thành phố Río de Janeiro và Sao Paulo đã xuống đường biểu tình yêu cầu Tổng thống Temer phải từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Nhiều tổ chức xã hội Brazil cũng ra thông cáo nhấn mạnh con đường duy nhất đưa Brazil thoát khỏi khủng hoảng chính trị và thể chế trầm trọng hiện nay là tổ chức tổng tuyển cử trực tiếp.
Trước những diễn biến mới trên chính trường Brazil, hãng xếp hạng tín nhiệm tài chính toàn cầu Standard & Poor’s cảnh báo sẽ tiếp tục hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Brazil trong 3 tháng tới nếu tình hình bất ổn chính trị tại đây gây cản trở tiến bộ cải cách kinh tế ở quốc gia Mỹ Latinh này.