Theo kênh CNN, khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không, ông Biden trả lời rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu một nhà lãnh đạo của một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới nói rằng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Theo Tổng thống Biden, ngay cả những lời cảnh báo của ông Putin cũng có thể có tác động và gây mất ổn định. Ông nói: “Điều này có thể dẫn đến một kết cục khủng khiếp… Một khi sử dụng vũ khí hạt nhân, có thể gây ra những sai lầm, những tính toán sai lầm, ai biết được điều gì sẽ xảy ra”.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Biden từ chối tiết lộ phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào nếu ông Putin thực hiện lời cảnh báo hạt nhân, nhưng ông cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã chủ động xây dựng các phương án dự phòng nếu kịch bản này xảy ra.
Cuộc phỏng vấn với kênh CNN diễn ra vài giờ sau khi ông Biden họp trực tuyến với các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trong cuộc họp, các bên đã nghe Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói về sự cần thiết phải tăng cường hệ thống phòng không trong bối cảnh Nga không kích các thành phố của Ukraine. Ông Zelensky nói: “Cần tăng cường nỗ lực chung để tạo ra một lá chắn trên không cho Ukraine trong bối cảnh Nga thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái”.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ đã sẵn sàng để tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine, trong đó có động thái cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ukraine.
Sau cuộc họp trực tuyến ngày 11/10, các lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố gồm 13 điểm về vấn đề Ukraine. Tuyên bố cho biết G7 sẽ tiếp tục áp đặt các chế tài về kinh tế chống Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, đồng thời cam kết kiên định hỗ trợ Ukraine duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý với Ukraine. G7 cũng ủng hộ các nỗ lực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào. Thứ trưởng Ryabkov để ngỏ khả năng Nga thực hiện các biện pháp đáp trả phù hợp trước sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc xung đột Ukraine.
Về vấn đề này, ngày 10/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nêu rõ Mỹ và các đồng minh đang ngày càng tiến gần "lằn ranh đỏ" khi họ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.