Theo đài RT ngày 28/4, một phần lớn của gói viện trợ khổng lồ được dành cho viện trợ quân sự và an ninh bổ sung, trong khi phần còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Chính quyền đang yêu cầu 20,4 tỷ đô la Mỹ tiền hỗ trợ an ninh và quân sự bổ sung cho Ukraine và cho các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường an ninh châu Âu phối hợp với các đồng minh NATO và các đối tác khác trong khu vực”.
Tiết lộ về gói viện trợ Ukraine trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói rằng việc các nhà lập pháp thông qua gói viện trợ là rất quan trọng. Ông nói: “Chúng ta cần dự luật này để hỗ trợ Ukraine và cuộc chiến giành tự do của nước này”, đồng thời thừa nhận cái giá phải trả không hề rẻ.
Chính quyền Mỹ muốn gói viện trợ được coi là chi tiêu khẩn cấp để không phải bù đắp bằng việc cắt giảm chi tiêu ở những chỗ khác. Ngoài gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine, ông Biden cũng đang tìm kiếm quyền lực mới để nhắm vào những tài phiệt Nga giàu có.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố: “Tổng thống Biden sẽ gửi đề xuất về một gói luật toàn diện nhằm nâng cao thẩm quyền của Chính phủ Mỹ trong việc buộc Chính phủ Nga và các nhà tài phiệt Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến của Tổng thống Putin ở Ukraine”. Nếu được kích hoạt, các quyền hạn được đề xuất sẽ cho phép các nhà chức trách Mỹ tinh giản quy trình thu giữ tài sản của giới tài phiệt Nga để bán chúng và chuyển số tiền thu được cho Ukraine.
Riêng Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột diễn ra vào cuối tháng 2. Các đồng minh của Washington cũng đã rót viện trợ kinh tế và quân sự lớn cho Ukraine. Một số quan chức phương Tây công khai tuyên bố rằng họ muốn Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên tăng cường viện trợ cho Kiev, nói rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột đang diễn ra và gây thêm thiệt hại cho Ukraine cũng như người dân nước này.
Ngày 28/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc các nước phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine gây nguy hiểm cho an ninh toàn châu Âu. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Peskov nhấn mạnh xu hướng "bơm" vũ khí, trong đó có vũ khí hạng nặng, vào Ukraine là hành động đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu, kích động bất ổn tại khu vực này.
Tuyên bố của ông Peskov nhằm phản ứng với phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, trong đó kêu gọi các đồng minh tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine.
Cùng ngày, Quốc hội Đức đã phê chuẩn nghị quyết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Phản ứng trước kết quả trên, Chủ tịch đảng Sự lựa chọn vì nước Đức Tino Chrupalla cho rằng chính phủ đã biến Đức trở thành một bên tham chiến trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có khả năng xảy ra. Theo ông, Chính phủ Đức lúc này phải hy vọng rằng các kênh ngoại giao cuối cùng với Moskva không bị phá vỡ.
Nga đã đưa quân vào quốc gia láng giềng vào cuối tháng 2, sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Nga đã công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.