Tuần này bình thường là thời điểm các con nhà anh Qudeh sẽ quay lại trường, song những đứa trẻ đó hiện chật vật với đống đổ nát mà chúng nhặt được từ một tòa nhà bị phá hủy gần đó để kiếm sống.
"Bất kỳ ai ở độ tuổi của chúng cháu ở các quốc gia khác đều đang được học hành. Nhưng chúng cháu thì không. Chúng cháu đang phải làm một việc quá sức và buộc phải đi làm để kiếm ăn", Ezz el-Din Qudeh, 14 tuổi, cho biết sau khi em và ba anh chị em của mình — đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi — kéo một xe bê tông.
Gaza đang bước vào năm học thứ hai mà trẻ em không được đến trường. Hầu hết trẻ em tại vùng đất bị phong toả của người Palestine này đều phải giúp đỡ gia đình trong cuộc đấu tranh hàng ngày để sinh tồn trong bối cảnh giao tranh hoành hành.
Trẻ em chân trần đi trên những con đường đất để mang nước trong những chiếc bình nhựa từ các điểm phân phối vềđến gia đình trong những thành phố lều trại đông đúc. Những đứa trẻ khác chờ đợi tại các bếp ăn từ thiện với những khay bát rỗng.
Các nhân viên cứu trợ nhân đạo cho biết tình trạng thiếu hụt giáo dục kéo dài đang đe dọa gây ra thiệt hại lâu dài cho trẻ em Gaza. Trẻ nhỏ tuổi bị ảnh hưởng về mặt nhận thức, xã hội và cảm xúc, còn trẻ em lớn tuổi có nguy cơ cao hơn bị kéo vào công việc hoặc kết hôn sớm. Tess Ingram, phát ngôn viên khu vực của UNICEF, cho biết: "Trẻ em càng nghỉ học lâu thì nguy cơ bỏ học vĩnh viễn và không bao giờ quay lại trường càng cao”..
625.000 trẻ em trong độ tuổi đi học ở Gaza đã bỏ lỡ gần một năm học. Các trường học đóng cửa sau khi Israel phát động cuộc tấn công vào vùng đất này để trả đũa cho cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10/2023. Trong bối cnhr các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel-Hamas đang trì trệ, người ta không biết khi nào các em có thể trở lại trường học.
Hơn 90% các tòa nhà trường học ở Gaza đã bị hư hại do bom đạn Israel. Nhiều tòa nhà trong số đó do UNWRA, cơ quan của Liên hợp quốc dành cho người Palestine, điều hành. Khoảng 85% toà nhà bị phá hủy đến mức cần phải tái thiết. Điều này có nghĩa là phải mất nhiều năm xây dựng thì chúng mới chúng có thể sử dụng được. Các trường đại học ở Gaza cũng bị tàn phá khi Israel cho rằng các tay súng Hamas ẩn náu trong các trường học.
Khoảng 1,9 triệu trong số 2,3 triệu người dân Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, chen chúc trong các trại lều rộng lớn thiếu nước hoặc hệ thống vệ sinh.
Mo'men Qudeh cho biết trước chiến tranh, các con của anh rất thích đi học. "Chúng là những học sinh xuất sắc. Chúng tôi đã nuôi dạy chúng rất tốt", anh chia sẻ.
Bây giờ, anh cùng 4 đứa con đang sống trong một căn lều tại một nghĩa trang ở Khan Younis sau khi tháo chạy. Gia đình Qudeh phải đi nhặt phế liệu hàng ngày để có thu nhập. Nếu một ngày may mắn, họ sẽ kiếm được khoảng 4 USD. Qudeh, người bị thương trong cuộc chiến năm 2014 giữa Israel với Hamas, cho biết anh không thể làm công việc nặng một mình nên đành đưa con đi cùng.
Các nhóm cứu trợ đã nỗ lực thiết lập các giải pháp giáo dục thay thế về giáo dục song găp nhêifu thách thức khác nhau.
Người phát ngôn Ingram cho biết UNICEF và các cơ quan cứu trợ khác đang điều hành 175 cơ sở học tập tạm thời, hầu hết được thành lập từ cuối tháng 5, phục vụ khoảng 30.000 học sinh, với khoảng 1.200 giáo viên tình nguyện. Các lớp học chủ yếu dạy chữ, số và phát triển sức khoẻ tinh thần.
Nhưng cô cho biết họ phải vật lộn để có được các vật dụng như bút, giấy và sách vì chúng không được coi là ưu tiên trong các lô hàng cứu trợ nhân đạo.
Đến tháng 8, UNRWA bắt đầu triển khai chương trình “trở lại trường học” tại 45 trường học chuyển đổi thành nơi trú ẩn, nơi cung cấp cho trẻ em các hoạt động như trò chơi, kịch, nghệ thuật, âm nhạc và thể thao. Mục đích là mang đến cho các em một chút thời gian nghỉ ngơi, cơ hội để kết nối lại với bạn bè. Trước chiến tranh, Gaza có tỷ lệ biết chữ cao, gần 98%.
Theo Ingram, các phụ huynh đều chia sẻ họ đã chứng kiến những thay đổi về mặt cảm xúc ở con khi không được ổn định đến trường, kèm theo đó là phải chịu đựng những chấn thương chồng chất do phải di dời, ném bom và tử vong. Một số trở nên buồn bã và khép kín, những em khác dễ bị kích động hoặc thất vọng.
Chiến dịch kéo dài 11 tháng của Israel đã phá hủy nhiều vùng rộng lớn ở Gaza và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, với tình trạng suy dinh dưỡng và dịch bệnh lan rộng. Theo các quan chức y tế Gaza, hơn 40.000 người Palestine đã thiệt mạng. Trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ingram cho biết gần như tất cả 1,1 triệu trẻ em ở Gaza được cho là cần được hỗ trợ tâm lý xã hội.
Israel cho biết chiến dịch của họ nhằm mục đích tiêu diệt Hamas để đảm bảo rằng họ không thể lặp lại cuộc tấn công ngày 7/10.
Cuộc xung đột cũng đã làm chậm trễ việc học của trẻ em Palestine ở Bờ Tây, nơi Israel đã tăng cường các hạn chế đi lại và thực hiện các cuộc đột kích dữ dội.
“Kể từ tháng 10, 8% đến 20% trường học ở Bờ Tây đã đóng cửa”, Ingram cho biết. Khi trường học mở cửa trở lại, tỷ lệ học sinh vẫn giảm do khó khăn trong việc di chuyển hoặc lo sợ bạo lực.