Toàn thế giới đã ghi nhận trên 218, 7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 1/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 218.794.845 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.538.277 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 195.615.697 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 657.934 ca tử vong trong tổng số 40.119.098 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 439.361 ca tử vong trong số 32.851.586 ca. Brazil đứng thứ 3 với 580.525 ca tử vong trong số 20.777.867 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 601 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 299 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,4 triệu ca tử vong trong trên 43,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có trên 63,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1 triệu ca tử vong trong trên 70,2 triệu ca. Bắc Mỹ có trên 995.837 ca tử vong trong trên 48,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 196.800 ca tử vong, Trung Đông có trên 182.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 2.100 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 ở Campuchia đang được cải thiện với số ca mới và tử vong có xu hướng giảm. Hiện nước này đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần những hạn chế và chuẩn bị cho người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Bộ Y tế Campuchia nêu rõ chiến lược bao gồm cả việc chấp nhận thực tế rằng COVID-19 vẫn tồn tại và đây là thời gian để học cách sống chung với dịch bệnh, đối mặt và vượt qua bằng cách thực hiện các hướng dẫn về phòng, chống COVID-19 của chính phủ.

Campuchia đang tiến tới hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người trong độ tuổi được tiêm phòng, góp phần đưa cuộc sống bình thường trở lại. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 13 ca tử vong và 455 ca mới, gồm 80 ca nhập cảnh và 375 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 93.510 ca, trong đó 89.114 người đã khỏi bệnh và 1.916 người tử vong.

Sau 3 tháng áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Thái Lan ngày 1/9 đã cho phép các trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok mở cửa trở lại, trong khi các nhà hàng được phục vụ 50% công suất. Động thái trên diễn ra sau khi số ca mới bắt đầu giảm dần và chính phủ chịu nhiều sức ép trong việc giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với kinh tế. Theo nhiều người dân, dù lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được duy trì ở thủ đô Bangkok, song việc mở cửa lại 1 phần cũng sẽ hỗ trợ phần nào nền kinh tế Thái Lan.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 1/9. Đây là lần thứ 9 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. Chính phủ Lào cũng yêu cầu người nhập cảnh cài đặt ứng dụng giám sát lịch trình di chuyển để khai báo thông tin khi đến các địa điểm công cộng. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu nhà chức trách hoãn kế hoạch khai giảng và tuyển sinh cho năm học mới. Bộ Y tế Lào ngày 1/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 274 ca mới, trong đó ngoài 220 ca nhập cảnh được cách ly ngay có 54 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Đến nay, tổng số ca tại Lào là 15.289 ca, trong đó có 14 người tử vong.

Chú thích ảnh
Cảnh sát kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên xe buýt ở Quezon, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, số ca tại Philippines đã vượt mốc 2 triệu trong bối cảnh nước này phải đối mặt với sự gia tăng kỷ lục về số ca mới do sự xuất hiện của biến thể Delta. Những tuần gần đây, số ca mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này liên tục ở mức cao nhất. Bộ Y tế Philippines cảnh báo số ca  sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 14.216 ca mới, đưa tổng số lên 2.003.955 ca, trong đó có 33.533 ca tử vong. Số ca mới theo ngày tại nước này đã lần đầu tiên vượt mốc 22.000 ca vào ngày 30/8, gần gấp đôi so với mức của ngày 6/8. Chính phủ Philippines đã quyết định gia hạn phong tỏa thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến tuần sau.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo số ca mới theo ngày đã tăng trở lại mức hơn 2.000 ca và biến thể Delta đang lây lan mạnh trước kỳ nghỉ Tết Trung Thu trong tháng này. Theo KDCA, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 2.025 ca mới, trong đó có 1.992 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số lên 253.445 ca. Con số này tăng mạnh so với 1.487 ca ghi nhận ngày 30/8 và 1.372 ca ngày 31/8. Số ca mắc COVID-19 ở nước này đã ở mức trên 1.000 ca/ngày trong 57 ngày liên tiếp. KDCA cho biết thêm đã có thêm 7 ca tử vong do COVID-19, nâng số ca tử vong lên 2.292 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đã tăng gấp hơn 3 lần so với khoảng 120 ca vào đầu tháng 7, khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 bắt đầu.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 29/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/9, giới chức Australia đã gia hạn lệnh phong tỏa ở thành phố Melbourne thêm 3 tuần trong bối cảnh chuyển trọng tâm sang tăng tốc tiêm chủng và từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh. Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khi 70% người trưởng thành ở bang này được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Theo thống kê, số ca mới trong cộng đồng ở bang Victoria trong 24 giờ qua là 120 ca, tăng đáng kể so với 76 ca một ngày trước đó.

Cùng ngày, trong bối cảnh số ca mới tăng vọt, bang New South Wales lân cận thông báo đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu chủng ngừa đủ liều cho 70% dân số trên 16 tuổi vào giữa tháng 9 này, thay vì cuối tháng 10 như kế hoạch ban đầu. Trong 24 giờ qua, New South Wales ghi nhận 1.116 ca mới, giảm nhẹ so với 1.164 ca ngày 31/8. Bang này cũng có thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt bùng phát mới nhất lên 100 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome, Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố các yêu cầu khắt khe hơn để phòng dịch COVID-19 đối với du khách Mỹ vào nước này, sau khi Liên minh châu Âu (EU) loại Mỹ khỏi danh sách du lịch an toàn trong bối cảnh gia tăng các ca mới trên khắp nước này. Bộ Y tế Italy cho biết mọi du khách đã đến Mỹ trong 2 tuần trước đó phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng 3 ngày trước khi họ đến Italy, cho dù họ đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Các du khách chưa được tiêm phòng phải cách ly trong 5 ngày sau khi họ đến Italy và sau đó phải xét nghiệm lại COVID-19, ngay cả khi xét nghiệm ban đầu của họ cho kết quả âm tính.

Các du khách vẫn được yêu cầu hoàn thành mẫu khai y tế trước khi vào Italy, cho phép thiết bị theo dõi tiếp xúc xác định các cụm lây nhiễm trong trường hợp bùng phát dịch. Các hạn chế mới cũng được áp dụng đối với những du khách đến từ Nhật Bản, Canada và Israel, những quốc gia đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Kể từ ngày 1/9, việc xuất trình Green Pass (Thẻ xanh) là quy định bắt buộc với mọi công dân Italy sử dụng các phương tiện công cộng máy bay, tàu cao tốc, phà, xe bus đường dài và mở rộng với các nhân viên, sinh viên đại học. Thẻ xanh được miễn trừ với những người dưới 12 tuổi, các trường hợp được miễn tiêm chủng vì lý do sức khỏe được cơ sở y tế chứng nhận. Quy định mới cũng áp mức phạt 400 -1.000 euro với bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào không chấp hành. Để có Thẻ xanh, công dân phải xác nhận tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19, xét nghiệm âm tính trong 48 giờ trước đó, hay đã khỏi COVID-19 trong 6 tháng trước đó.

Thanh Phương (TTXVN)
WHO khai trương Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch tại Đức
WHO khai trương Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch tại Đức

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 1/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khai trương Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch tại thủ đô Berlin, Đức. Tham dự buổi lễ khai trương có Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN