Kết quả cuộc kiểm tra
Theo Yahoo Finance, kết quả này do Fed công bố ngày 28/6 (giờ Mỹ), cho thấy các ngân hàng này sẽ có đủ vốn trong tay để bù lỗ và tiếp tục cho vay ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10% và thị trường chứng khoán lao dốc 45%.
Khoản lỗ dự báo của các ngân hàng sẽ lên tới 541 tỷ USD theo kịch bản giả định đó.
Các ngân hàng lớn nhất trong nhóm tham gia cuộc kiểm tra của Fed, như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs và Morgan Stanley, đều sẽ có vốn dự phòng dư thừa so với yêu cầu tối thiểu 4,5% của Fed trong kịch bản cực đoan này.
Kết quả cũng tương tự với các ngân hàng khu vực có quy mô trung bình tham gia cuộc kiểm tra này, như PNC, Truist và M&T.
Phó Chủ tịch phụ trách công tác giám sát của Fed, ông Michael Barr cho biết: “Kết quả ngày hôm nay xác nhận rằng hệ thống ngân hàng vẫn mạnh mẽ và có sức chống chịu. Đồng thời, cuộc kiểm tra áp lực này chỉ là một cách để đo lường sức mạnh đó. Chúng ta nên khiêm tốn về mức độ rủi ro có thể phát sinh và tiếp tục công việc để đảm bảo rằng các ngân hàng có khả năng phục hồi trước một loạt các kịch bản kinh tế, cú sốc thị trường và các căng thẳng khác”.
Tuy nhiên, kết quả cuộc kiểm tra rất khác nhau trong toàn ngành. Ngân hàng có tỷ lệ vốn cao nhất trong kịch bản bất lợi nghiêm trọng của Fed là Charles Schwab, một trong những ngân hàng bị theo dõi kỹ lưỡng vào đầu năm nay khi các ngân hàng khác sụp đổ.
Ngân hàng có tỷ lệ vốn thấp nhất là Citizens Financial, một ngân hàng khu vực tại Rhode Island. Các ngân hàng khác trong khu vực như US Bancorp và Truist có vốn dự phòng ít hơn so với các đối thủ lớn.
Theo cuộc kiểm tra, nhưng những ngân hàng lớn cũng có khoản lỗ thu nhập ròng lớn nhất theo kịch bản bất lợi nghiêm trọng của Fed, dẫn đầu là Citigroup với khoản lỗ 34,9 tỷ USD. Tiếp đó là Wells Fargo lỗ 32,9 tỷ USD và JPMorgan lỗ 30,1 tỷ USD.
Goldman có khoản lỗ ước tính cao nhất liên quan các khoản cho vay bất động sản thương mại và thẻ tín dụng. Ngân hàng này cũng có khoản thua lỗ cao nhất trong các đánh giá riêng của Fed trong trường hợp xảy ra các cú sốc thị trường toàn cầu.
Quy định ngặt nghèo hơn
Cuộc kiểm tra hàng năm của Fed diễn ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên diễn ra kể từ khi tình trạng hỗn loạn làm rung chuyển thế giới ngân hàng sau vụ sụp đổ của các ngân hàng First Republic, Silicon Valley và Signature vào mùa xuân này.
Các ngân hàng thường sử dụng kết quả kiểm tra áp lực hàng năm của Fed để xác định số tiền họ cần có trong bảng cân đối kế toán để chống chọi với các cú sốc và xác định số tiền họ còn lại để chia cổ tức và mua lại.
Tuy nhiên, các ngân hàng Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một loạt yêu cầu mới ngặt nghèo hơn của Fed, sẽ buộc một số ngân hàng phải nắm giữ vốn dự phòng lớn hơn để đề phòng thua lỗ.
Fed đã nghiên cứu những quy tắc cứng rắn hơn này trước khi một số ngân hàng khu vực ở Mỹ sụp đổ vào mùa xuân, nhưng các nhà quản lý đã nói rõ sau đó rằng họ muốn đảm bảo rằng phương pháp tiếp cận mới của mình được áp dụng cho các ngân hàng quy mô trung bình, tương đương ngân hàng First Republic hoặc Ngân hàng Silicon Valley. Cả hai đều có tài sản trị giá hơn 200 tỷ USD vào thời điểm sụp đổ.
Tuần trước, Chủ tịch Fed là Jerome Powell cho biết ông không yêu cầu các ngân hàng cộng đồng nhỏ hơn phải tuân theo các yêu cầu về vốn cao hơn. Các ngân hàng có ít nhất 100 tỷ USD tài sản có thể phải tuân thủ.
Việc buộc các ngân hàng phải tích lũy vốn dự phòng lớn hơn có những ưu và nhược điểm đối với cả bản thân ngân hàng, cơ quan quản lý và nền kinh tế. Việc này sẽ làm tăng tính ổn định của các ngân hàng này, nhưng cũng sẽ khiến các ngân hàng khó kiếm lợi nhuận mạnh hơn và có thể khiến các ngân hàng rút lại một số loại hình cho vay nhất định.