Cho đến giờ vẫn có rất nhiều người cười chê khi Fathi Mohamed Ahmed – nữ tổng biên tập tòa soạn Bilan – kể cho họ rằng mình đang vận hành tòa soạn báo đầu tiên và duy nhất tại Somalia với nhân sự toàn là nữ.
Tòa soạn Bilan hàng ngày đăng tải các tin tức phục vụ cho người dân địa phương và thi thoảng có bài viết hướng tới độc giả quốc tế. Họ sản xuất các nội dung với một số chủ đề có thể coi là nhạy cảm tại Somalia, bao gồm vấn nạn ma túy đối với phụ nữ, phụ nữ chung sống với HIV, bệnh bạch tạng hay nỗi xấu hổ khi kinh nguyệt "ghé thăm".
“Thi thoảng, lí trí của tôi lại nói rằng mình không thể tiếp tục công việc này vì quá nguy hiểm và chịu sức ép từ xã hội. Nhưng đây là nghề nghiệp tôi đam mê từ bé và là giấc mơ luôn sống trong tôi”, nữ tổng biên tập Ahmed chia sẻ.
Mặc dù được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) bảo trợ, thành công không hề dễ dàng đối với Ahmed và các cộng sự.
Theo tổ chức Nhà báo Không Biên giới, với hơn 50 phóng viên bị sát hại từ năm 2010, Somalia là quốc gia châu Phi nguy hiểm nhất đối với những người làm báo. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo xếp Somalia vào thứ hạng cuối cùng trong Chỉ số Nguy hiểm Toàn cầu, xét theo số vụ sát hại nhà báo chưa được giải quyết tính theo phần trăm dân số của một quốc gia.
Vẫn còn mang sâu tư tưởng bảo thủ và định kiến, một số người tại Somalia cảm thấy việc thảo luận công khai các vấn đề của phụ nữ là một điều khó chấp nhận. Họ kêu ca rằng những câu chuyện của Bilan làm tổn hại đến danh tiếng của đất nước.
“Chúng tôi biết rõ đối với người Somalia, vấn đề riêng tư của các cô gái là một điều đáng xấu hổ. Ví dụ các dấu hiệu của tuổi vị thành niên như kinh nguyệt. Các bé gái không được dạy về các triệu chứng đến kỳ của phụ nữ trong lớp học”, bà Ahmed cho hay.
Câu chuyện về sự kỳ thị liên quan đến kỳ kinh nguyệt đã trở thành một trong những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi nhất của Bilan khi bài viết được xuất bản vào đầu năm nay, thu hút hơn 130.000 lượt xem và hàng chục bình luận trên Facebook.
Bài viết cũng đã khiến Bộ Phụ nữ Somalia đề nghị tòa soạn Bilan hợp tác trong một chiến dịch vận động chính sách và đã thuyết phục được nhóm giáo sĩ Hồi giáo - một nhóm thường có quan điểm bảo thủ nhất trong xã hội Somali.
Maria Abdullahi Jama, một nữ sinh 19 tuổi tại trường Bondhere ở Mogadishu, bày tỏ: “Cháu từng cảm thấy sợ hãi khi muốn chia sẻ những vấn đề cá nhân với giáo viên. Nhưng cháu không thể nói được điều đó. Cháu muốn nói rằng mọi người đừng nên cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi vì chuyện đó”.
Abdallah Al Dardari, giám đốc văn phòng khu vực Arab của UNDP, cho biết Bilan đã cách mạng hóa chương trình tin tức ở Somalia. “Mang tiếng nói độc đáo và phạm vi tiếp cận ngày càng tăng của thương hiệu Bilan Media, họ đang tạo ra nhu cầu thay đổi về cách đối xử với phụ nữ và trẻ em gái thực sự đáng kể”.