Shirin đã đặt lịch trang điểm cô dâu từ nhiều tuần trước, nhưng thay vì thư giãn để các chuyên gia làm đẹp làm hài lòng mình cô, mọi người trong thẩm mỹ viện ở Kabul đều tỏ ra lo lắng và khẩn trương, sẵn sàng giấu nhẹm cô dâu một khi cảnh sát xuất hiện.
Shirin là khách hàng cuối cùng tại một thẩm mỹ viện ở thủ đô của Afghanistan, một trong số hàng nghìn cửa hàng làm đẹp trên khắp đất nước đã bị đóng cửa vào ngày 25/7 theo lệnh của chính quyền Taliban.
"Chúng tôi có người canh chừng bên ngoài phòng trường hợp Taliban đến. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ đưa cô ấy vào phòng tắm hoặc nhà kho, tạo hiện trường trông có vẻ đang bận thu dọn hành lý. Dù tôi có vào tù thì vẫn phải trang điểm cho cô ấy, vì những cam kết đã hứa từ trước với khách hàng", chủ tiệm Aziza nói.
Khi một số nhân viên đang tập trung làm đẹp cho Shirin, những người khác đang bận thu dọn đồ đạc trong tiệm. Giống như hàng chục nghìn nhân viên khác, họ đã bị đẩy khỏi một trong những thị trường việc làm cuối cùng còn lại dành cho phụ nữ dưới chính quyền Taliban.
Lệnh cấm các cửa hàng làm điệp là đòn mới nhất không chỉ giáng vào khả năng kiếm thu nhập của phụ nữ mà còn đối với đời sống xã hội chung.
"Chúng tôi rất đau lòng khi nghe tin các thẩm mỹ viện đóng cửa vì đó là nơi chúng tôi không chỉ chăm chút cho vẻ ngoài của mình mà còn có thể gặp gỡ bạn bè và kết bạn mới, trò chuyện và xoa dịu nỗi buồn. Phụ nữ không được vào nơi giải trí thì biết làm sao? Đến đâu mới có thể tụ tập và vui vẻ", Bahara, 21 tuổi, một khách hàng quen cảu thẩm mỹ viện ở Kabul, bày tỏ.
Kể từ khi giành lại quyền lực vào tháng 8/2021, chính quyền Taliban đã cấm bé gái và phụ nữ học trung học và đại học, ban hành lệnh cấm họ đến công viên, hội chợ vui chơi và phòng tập thể dục, đồng thời ra lệnh cho họ phải che mặt, kín đáo ở nơi công cộng.
Hầu hết phụ nữ cũng bị cấm làm việc cho Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức phi chính phủ, với hàng nghìn người bị sa thải khỏi các công việc của nhà nước hoặc được trả tiền để ở nhà.
Mọi cánh cửa khép lại
Cách đây 1 năm, Kamela bắt đầu làm việc trong một thẩm mỹ viện khi cô mất việc làm trong lĩnh vực truyền thông và không thể tiếp tục con đường học vấn. Là trụ cột duy nhất cho gia đình 5 người, cô gái 19 tuổi không biết mình sẽ làm gì nếu không có tiền lương từ thẩm mỹ viện.
"Đóng cửa các tiệm làm đẹp có nghĩa là mọi cánh cửa đều đóng lại với tôi, tôi không thể làm việc và sống như một phụ nữ ở Afghanistan", Kamela chia sẻ với hãng tin AFP.
Manizha (28 tuổi) đã đổ thời gian, công sức và tiền bạc vào việc phát triển thẩm mỹ viện của riêng mình từ năm 2018, đào tạo khoảng 200 phụ nữ làm việc trong ngành và cũng trở thành nguồn thu nhập chính trong nhà.
Giờ đây, 25 nhân viên hiện tại của cô ấy, tất cả đều là những người kiếm tiền chính trong gia đình, phải nghỉ việc và Manizha phải chứng kiến những nỗ lực của cô ấy trở nên phí phạm.
"Tôi đã làm việc rất chăm chỉ và bây giờ thành tựu của tôi chẳng là gì cả. Tôi ở lại đất nước này và nộp thuế cho chính phủ, và bây giờ họ đang đóng cửa thẩm mỹ viện của chúng tôi. Thật đáng xấu hổ, đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đất nước và đối với chúng tôi”, Manizha bức xúc.
Trong vài tuần trước khi lệnh cấm có hiệu lực, phụ nữ đổ xô đến tiệm để nhuộm tóc và tạo hình lông mày - cơ hội cuối cùng để họ làm điều gì đó cho bản thân.
Bộ Khuyến khích Đức hạnh và Phòng chống tệ nạn tuyên bố những khoản tiền quá lớn chi cho việc trang điểm đã gây khó khăn cho các gia đình nghèo và một số phương pháp làm đẹp, chẳng hạn như nối mi và uốn tóc, là phi Hồi giáo.
Nhưng nhân viên làm đẹp Najla cảm thấy công việc này là một việc làm lương thiện, có ích cho cuộc sống.
"Tôi đã làm rất tốt, có thể kiếm được một ít bánh mì để mang về nhà cho những đứa em côi cút của mình. Họ thực sự muốn gì ở chúng tôi? Họ đã đóng cửa mọi cơ hội tiếp cận phụ nữ”, Najla ngậm ngùi.