Tòa quốc tế trao cho Peru vùng biển do Chile kiểm soát

Tòa án công lý quốc tế (ICJ) có trụ sở tại La Hay (the Hague) (Hà Lan) ngày 27/1 đã ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển giữa Peru và Chile, theo đó Lima giành được một vùng biển rộng lớn do Santiago kiểm soát.


Ranh giới biển giữa Peru và Chile sau phán quyết của ICJ (Sơ đồ chỉ mang tính minh họa) (nguồn: TVN)


Theo đánh giá của một số nhà phân tích, phán quyết của ICJ phần nào mang tính thỏa hiệp, vì mặc dù mất một vùng biển rộng lớn -mà theo Tổng thống Peru Ollanta Humala rộng tới 50.000 km2, chiếm hơn 70% diện tích biển mà Peru kiện đòi nước láng giềng- Chile vẫn giữ được một khu vực gần bờ, nơi có nguồn hải sản phong phú hơn.


Phán quyết của ICJ là phán quyết cuối cùng nên các bên không có quyền kháng cáo.


Vụ xét xử thu hút mối quan tâm lớn của công luận hai nước và tại khu vực. Tổng thống Ollanta Humala và người đồng cấp Chile Sebastián Piñera cùng nhiều thành viên nội các đã theo dõi qua truyền hình toàn bộ diễn biến phiên phán quyết.


Phát biểu trên truyền hình sau kết quả phán xử, Tổng thống Piñera bày tỏ sự “bất đồng sâu sắc” với quan điểm của tòa, tuy nhiên Santiago chấp nhận phán quyết trên tinh thần cùng với Peru sẽ đưa hai nước vào giai đoạn hợp tác mới.


Về phần mình, Tổng thống Humala bày tỏ hài lòng với quyết định của ICJ. Ông cho biết Lima sẽ nhanh chóng thực hiện nó và muốn Santiago cũng hành động tương tự. Ông chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Chile cho rằng phán quyết của tòa mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.


Chile và Peru đã ký hai thỏa thuận phân chia vùng biển vào các năm 1952 và 1954, theo đó đường phân định là đường song song với vĩ tuyến tính từ điểm biên giới trên bờ biển giữa hai nước.


Chile cho rằng với các văn kiện trên, giữa hai bên không còn tồn tại tranh chấp về ranh giới trên biển, tuy nhiên Peru lại cho rằng hai hiệp ước đó chỉ là xác định khu vực đánh cá, và cho đến nay giữa hai nước vẫn chưa có một hiệp ước phân định biên giới trên biển.


Theo quan điểm của Peru, ranh giới biển phải được xác định bằng một đường nối các điểm cách đều bờ biển hai nước, tức là Chile phải trao cho Peru một vùng rộng khoảng 38.000 km2 trên Thái Bình Dương. Đây là khu vực có nguồn cá trồng (anchovy) phong phú, cho phép Chile cùng Peru là hai nước xuất khẩu bột cá lớn nhất thế giới.


Peru cũng đề nghị tòa công nhận quyền chủ quyền đối với một vùng biển khác rộng trên 28.000 km2 cách bờ biển của Peru không quá 200 hải lý, nhưng Chile coi là vùng biển quốc tế.


Sau khi không giải quyết được tranh cãi qua những cuộc đàm phán song phương, tháng 1/2008 Peru chính thức kiện Chile tại ICJ. Tháng12/2012 tòa đã bắt đầu xử vụ tranh chấp.


Bất chấp vụ kiện tụng, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh. Theo Phòng thương mại Peru (Perucámaras), kể từ khi hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký năm 2006, giao thương giữa hai nước tăng 9 lần, từ 500 triệu USD lên 4,3 tỷ USD/năm.


Chile là thị trường cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Peru. Mặt khác, doanh nghiệp Chile và Peru trong thời gian qua tăng cường đầu tư giữa hai nước.


Tháng 11/2012 ICJ cũng đưa ra một phán quyết liên quan tới tranh chấp biển đảo giữa Colombia và Nicaragua theo hướng có lợi cho Managua. Tuy nhiên, Bogotá không công nhận quyết định của tòa, đồng thời tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bogotá, bước đi đầu tiên nhằm không công nhận thẩm quyền của ICJ.


Hiện Chile đang bị Bolivia kiện tại ICJ nhằm đòi lại đường ra biển từng bị mất trong một cuộc chiến giữa hai nước cách đây hơn một thế kỷ.


Ngoài ra, ICJ đang phân xử 4 vụ tranh chấp biên giới khác giữa các nước Mỹ Latinh: 2 vụ giữa Costa Rica và Nicaragua, và 2 vụ giữa Nicaragua và Colombia./.


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN