Phán quyết trên cho thấy tư tưởng cởi mở hơn trong xã hội 1,25 tỷ dân vốn vẫn còn tồn tại tư duy trọng nam khinh nữ này.
Thẩm phán D. Y. Chandrachud cho rằng sự phân biệt đối xử với phụ nữ giống như những đứa trẻ chẳng khác nào nhắm mắt làm ngơ với hiến pháp của đất nước.
Trong khi đó, Chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ Dipak Misra nhấn mạnh lệnh cấm phụ nữ bước vào đền thờ là hành vi phân biệt đối xử và vi phạm quyền của phụ nữ được phép thờ phụng, cũng như thể hiện tín ngưỡng tôn giáo.
Đền thờ Ayyappa có tục lệ cấm tất cả nữ giới trong độ tuổi từ 10-50 được phép đặt chân tới. Quy định này xuất phát từ lối suy nghĩ lạc hậu cố hữu tại Ấn Độ rằng các bé gái và phụ nữ là những người "ô uế".
Tục lệ tại đền thờ này đang đứng trước những thay đổi lớn khi vấp phải nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ không thể bị tước quyền hợp pháp trong việc thực hiện hoạt động thờ phụng.
Trong nhiều năm trở lại đây, phụ nữ Ấn Độ đã không ngừng tiến hành các chiến dịch nhằm đòi lại quyền công bằng, để họ có thể tới các đền thờ Hindu và nhiều công trình tôn giáo khác.
Hồi năm 2016, hàng trăm phụ nữ đã tham gia chiến dịch vận động tại bang Maharashtra nhằm yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm phụ nữ tới đền Shani Shingnapur. Cùng thời gian này, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh cấm của đền thờ Hồi giáo Haji Ali Dargah tại thành phố Mumbai, theo đó cho phép phụ nữ Ấn Độ được tới cầu nguyện tại đây.