Ông Edwin Hardeman, sống tại hạt Sonoma, bang California, Mỹ đã thường xuyên sử dụng thuốc diệt cỏ từ năm 1980-2012 và sau đó ông bị chuẩn đoán mắc ung thư hạch không Hodgkin (NHL).
Luật sư của ông Hardeman cho biết thân chủ hài lòng với phán quyết và giờ họ có thể tập trung vào bằng chứng về việc Monsanto đã không hành xử có trách nhiệm và khách quan đối với sự an toàn của sản phẩm Roundup.
Luật sư nhấn mạnh các hành động của Monsanto cho thấy công ty rõ ràng "không quan tâm xem liệu sản phẩm của hãng có khiến người dùng bị ung thư hay không, mà chỉ tập trung vào đánh lừa dư luận, tác động đến những cá nhân nêu quan ngại chính đáng về vấn đề này".
Hiện phiên tòa đã bước sang giai đoạn hai là xác định xem liệu Monsanto có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không.
Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto và chất glyphosate có trong sản phẩm được cho là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Monsanto, hiện thuộc sở hữu của công ty dược Bayer của Đức, đang đối mặt với khoảng 11.200 vụ kiện tương tự trên toàn nước Mỹ.
Công ty khẳng định có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sản phẩm của họ không gây nguy hiểm nếu sử dụng đúng cách. Đây là vụ án đầu tiên được xét xử ở cấp liên bang Mỹ và phán quyết của vụ kiện này sẽ tác động đến hàng ngàn vụ kiện tương tự tại Mỹ.
Trước đó, tháng 8/2018, bồi thẩm đoàn San Francisco yêu cầu Monsanto bồi thường 289 triệu USD trong vụ người làm vườn Dewayne Johnson, bị ung thư giai đoạn cuối. Ông này kiện Monsato không cảnh báo nguy cơ thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này có thể gây ung thư.
Ông Johnson đã sử dụng loại thuốc trên để chăm sóc các vườn trong trường học gần 30 năm qua. Mức bồi thường sau đó đã được giảm xuống còn 78,5 triệu USD sau khi hãng Bayer kháng cáo.