“Hành động tấn công này chỉ khiến căng thẳng leo thang. Đây là sự can thiệp nhằm vào pháp quyền và thủ tục tố tụng tư pháp không thể chấp nhận được”, ICC cho biết trong một tuyên bố đáp trả sau khi Mỹ ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế và thị thực nhắm vào các nhân viên của tổ chức này.
Hãng tin RT (Nga) cho biết Tòa án Hình sự Quốc tế cũng cho biết họ sẽ đứng về phía nhân viên và quan chức của mình và khẳng định các cuộc điều tra độc lập và thủ tục tố tụng của tòa án được thực thi một cách công bằng, khách quan.
Tổng thống Donald Trump ngày 11/6 ra lệnh trừng phạt kinh tế và hạn chế đi lại với một số quan chức Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi ICC đã điều tra binh sĩ và quan chức tình báo Mỹ về tội ác chiến tranh ở Afghanistan mà không được sự chấp thuận của Washington.
Washington đã nhiều lần phản đối cuộc điều tra, thậm chí hủy bỏ thị thực du lịch cho bà Fatou Bensouda, một nhân viên điều tra cấp cao của ICC nhằm phản đối chiến dịch điều tra quân đội Mỹ ở Afghanistan mà bà thực hiện. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục trả đũa nếu tòa án này tiếp tục công việc của mình.
Ngoài ra, trong tháng 9/2019, các thẩm phán của ICC đã thông qua một phần đề nghị của công tố viên trưởng Fatou Bensouda kháng cáo quyết định trước đó bác bỏ đề xuất điều tra tội ác chiến tranh của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.
Theo Trung tâm Quyền Hiến pháp (CCR), chương trình tra tấn của Mỹ với các hành động tội ác chiến tranh đã xảy ra từ lâu tại Afghanistan và một số quốc gia khác. Chính phủ Mỹ đã miễn cưỡng trong điều tra và xét xử công dân và quan chức quân sự chịu trách nhiệm cho những hành động này.
Mỹ từ chối gia nhập ICC và cáo buộc rằng cơ quan này sẽ trở thành một diễn đàn truy tố vì mục đích chính trị nhắm đến Washington và đồng minh. Năm 2002, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Bảo vệ quân nhân Mỹ, trong đó cho phép tổng thống sử dụng lực lượng quân đội để đảm bảo tự do cho binh sĩ Mỹ bị ICC giam giữ.