Các phiên tòa tại ICJ diễn ra chỉ vài tuần sau khi Azerbaijan triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh. Chiến dịch kéo dài một ngày này đã khiến người dân gốc Armenia tại đây di tản hàng loạt, trong đó nhiều người đến Armenia.
Armenia đã kiến nghị và kêu gọi ICJ ra phán quyết yêu cầu Azerbaijan rút toàn bộ quân đội và nhân viên thực thi pháp luật khỏi tất cả các cơ sở dân sự ở Nagorny-Karabakh. Nước này cũng kêu gọi ICJ đảm bảo Azerbaijan tránh mọi hành động khiến những người gốc Armenia còn lại phải rời đi và đảm bảo những người di tản trước đó được trở về an toàn.
ICJ xử lý các tranh chấp giữa các quốc gia. Mặc dù các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng tòa này lại không có quyền thực thi các quyết định
Phiên tòa ngày 12/10 tại La Haye (Hà Lan) là phiên xét xử mới nhất trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa Azerbaijan và Armenia. Hai nước đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD).
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng lại có đa số người dân gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập với quốc gia láng giềng Armenia. Vì thế, tại đây luôn xảy ra tình trạng tranh chấp chủ quyền dai dẳng. Hôm 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã bất ngờ tiến hành một chiến dịch quân sự chớp nhoáng giành lại quyền kiểm soát khu vực. Chỉ một ngày sau, chính quyền do người gốc Armenia đứng đầu tại đây đã đồng ý giao nộp vũ khí và dự kiến sẽ giải thể từ ngày 1/1/2024.
Sau các sự kiện trên, mặc dù chính quyền Azerbaijan đã kêu gọi người dân tại Nagorny-Karabakh ở lại nhưng gần như toàn bộ 120.000 cư dân tại đây đã rời đi để đến Armenia, làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng người di cư. Giới chức Armenia cho biết hiện có khoảng 35.000 người đang phải sống trong các khu nhà tạm.