Nguy cơ thất nghiệp vì COVID-19 ở Đông Nam Á
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (Escap), hàng triệu lao động ở khu vực Đông Nam Á có thể mất việc làm khi các hoạt động kinh tế phải đột ngột dừng lại do các chính phủ tăng cường nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hồi giữa tháng 3 đưa ra dự báo gần 25 triệu lao động trên toàn thế giới có thể bị mất việc làm.
Báo cáo của Escap cho rằng dù chưa có dữ liệu chính xác về tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực tuyển dụng, nhưng ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi lĩnh vực dịch vụ và chế tạo sản xuất cần nhiều lao động - tạo nên 80% khu vực phi chính thức và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Những doanh nghiệp này tạo ra phần lớn công ăn việc làm trong khu vực. Với những nước có hệ thống bảo trợ xã hội yếu kém, ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng. Vì vậy, các chính phủ khu vực cần phải có không gian chính sách rộng rãi để vừa cứu vãn công ăn việc làm vừa hỗ trợ đảm bảo mức sống tối thiểu cho các hộ gia đình.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo, dự đoán tăng trưởng GDP ở khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm nay trước khi phục hồi ở mức 4,7% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực với Trung Quốc. Cụ thể GDP của Indonesia được cho là giảm từ 5% năm 2019 xuống còn 2,5% trong năm nay, Thái Lan giảm 4,8%, Việt Nam giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 4,8% trong năm nay, trong khi Singapore chỉ đạt 0,2%.
Trong bối cảnh này, một số nước trong khu vực đã đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ hàng loạt cho người lao động thất nghiệp mới từ các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ nhà hàng khách sạn và ngành may mặc. Thái Lan hỗ trợ 5.000 baht/tháng (tương đương 150 USD) trong 3 tháng cho khoảng 9 triệu lao động tự do và không chính thức. Trong khi đó, trong khoản ngân sách bổ sung trị giá khoảng 48 tỷ SGD của Singapore, một phần đã được trích ra để chi trả cho người lao động thất nghiệp 800 SGD/tháng trong 3 tháng để giúp họ tìm việc làm mới hoặc đào tạo nghề.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 khiến cho triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn. Tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó.
Ca nhiễm virus ở một số nước gia tăng
Ngày 4/4, Thái Lan đã công bố thêm 89 ca nhiễm SARS-Cov-2 và một trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 2.067 người và tổng số trường hợp tử vong lên thành 20 người. Trước đó, Thái Lan định tăng giờ giới nghiêm từ 6 giờ lên 8, 10, 12 giờ hoặc thậm chí lâu hơn. Lệnh giới nghiêm 6 giờ bắt đầu có hiệu lực từ đêm 3/4 và có tác dụng ngăn ngừa tụ tập đông người, giảm tỷ lệ lây truyền virus SARS-CoV-2. Nội các Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch của Bộ Y tế tuyển dụng 45.684 viên chức đặc biệt là nhân viên chính phủ để đối phó với dịch COVID-19.
Tại Philippines, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 3.094 người, sau khi nước này ghi nhận thêm 76 ca trong ngày 4/4 - số lượng tăng trong ngày thấp nhất trong một tuần. Tại họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho hay dịch bệnh chết người này đã cướp đi sinh mạng của 144 người ở quốc gia Đông Nam Á này, trong khi đến nay chỉ có 5 bệnh nhân hồi phục.
Ngày 4/4, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 105 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên thành 3.483 người. Theo bộ trên, Malaysia cũng có thêm 4 người tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong do mắc bệnh lên thành 57 người.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia, ông Achmad Yurianto cho biết ngày 4/4 nước này đã ghi nhận thêm 106 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus tại quốc gia Đông Nam Á này lên thành 2.092 ca, vượt mốc 2.000 người. Ông Yurianto cũng cho hay Indonesia xác nhận thêm 10 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 trên cả nước lên thành 191 người.
Chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các địa điểm du lịch tới ngày 19/4 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thống đốc Jakarta quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp từ ngày 3/4 đến ngày 19/4.
Tại Campuchia, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế ngày 4/4 đã thông báo đến tất cả các cơ quan và phái bộ ngoại giao được thừa nhận tại Campuhia về việc tự động gia hạn visa du lịch cho tất cả các công dân nước ngoài đến Campuchia sau ngày 1/1/2020 mà không thể trở về nước do không có chuyến bay do dịch COVID-19 bùng phát.