Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 1.484.285 ca nhiễm và 88.507 ca tử vong. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 274.367 ca nhiễm và 27.459 ca tử vong. Nga có 262.843 ca nhiễm và 2.418 ca tử vong. Anh có 236.711 ca nhiễm và 33.998 ca tử vong, Italy có 223.885 ca nhiễm và 31.610 ca tử vong. Brazil đã vượt Pháp với 218.223 ca nhiễm và 14.817 ca tử vong, trong khi Pháp có 179.506 ca nhiễm và 27.529 ca tử vong...
Ngoài ra, đáng chú ý là số ca tử vong do dich COVID-19 tại Mexico đã vượt Trung Quốc. Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên đến 45.032 người, trong đó có 4.767 ca tử vong, vượt Trung Quốc khi nước này tới nay ghi nhận 4.633 ca tử vong. Ngoài ra, hiện có 29.028 người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mexico. Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mexico vẫn cao nhất châu Mỹ, với 10,59%. Cơ quan y tế cho biết tỉ lệ tử vong ở mức cao là do trên 70% dân số nước này mắc các bệnh về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thừa cân và béo phì.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang tìm hiểu mối liên hệ tiềm tàng giữa đại dịch COVID-19 với hội chứng viêm hiếm gặp đang khiến nhiều trẻ em ở châu Âu và Mỹ đổ bệnh, thậm chí tử vong.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các báo cáo sơ bộ cho thấy hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể liên quan đến COVID-19. Chính vì thế, điều quan trọng là phải nhanh chóng và cẩn trọng tìm hiểu hội chứng lâm sàng, hiểu biết về nguyên nhân hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị.
Cho đến nay các nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận hàng trăm ca bệnh nhi hiếm gặp như vậy. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo hội chứng hiếm gặp này đã ảnh hưởng tới 230 trẻ em ở châu Âu, trong đó có 2 em đã tử vong tính tới thời điểm này trong năm, trong đó trường hợp mới nhất là một bé trai 9 tuổi ở Pháp có dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa thể xác định mối liên hệ rõ ràng giữa COVID-19 với hội chứng mới, do nhiều trẻ em mắc hội chứng mới lại không dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong ngày 15/5, có thêm nhiều nước châu Âu quyết đinh mở cửa biên giới sau khi nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 đã bớt căng thẳng. Sau khi ba nước vùng Baltic là Latvia, Lítva và Estonia đã mở cửa biên giới và nối lại mọi hoạt động vận tải với nhau, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 15/5 cũng cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận mở cửa biên giới với Thụy Sĩ và Liechtenstein, tương tự như thỏa thuận mà Áo công bố trước đó với Đức, hoàn toàn cho phép hoạt động đi lại từ ngày 15/6.
Phát biểu họp báo, ông Kurz nói: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Đức, Liechtenstein và Thụy Sĩ, cụ thể là nới lỏng đáng kể từ hôm nay và mở cửa hoàn toàn biên giới từ ngày 15/6". Ông cũng cho hay đang diễn ra cuộc đàm phán với các nước láng giềng châu Âu ở phía Đông Áo.
Về phần mình, Chính phủ Italy ngày 16/5 cũng đã thông qua sắc lệnh cho phép đi lại đến và đi từ nước ngoài kể từ này 3/6, trong bối cảnh nước này bắt đầu nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất tại châu Âu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong khi đó, tại Mỹ, New York và 3 bang láng giềng gồm New Jersey, Connecticut and Delaware đã quyết định cho phép các bãi biển và khu vực ven hồ được mở lại ở mức hạn chế kể từ thứ Sáu tuần tới, tức ngày 22/5.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết các chính quyền địa phương được tùy ý quyết định có mở hay không mở nhưng phải đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Quyết định của thống đốc Cuomo được đưa ra một ngày sau khi giới chức các bang New Jersey và Delaware tuyên bố sẽ mở lại bãi biển tại các bang của họ.
Tuy nhiên, các môn thể thao bãi biển như bóng đá và bóng chuyền sẽ vẫn bị cấm; các khu vực thường thu hút đông người như công viên giải trí, sân chơi, bể bơi sẽ vẫn đóng cửa; và các nhà hàng, quán ăn chỉ được bán đồ để mang đi. Những người ra chơi bãi biển vẫn phải đeo khẩu trang.
Tại những khu vực của bang New York chưa đáp ứng đủ 7 tiêu chí do thống đốc Cuomo quy định để được mở cửa lại sẽ phải tiếp tục đóng cửa các hoạt động kinh tế đến ngày 28/5. Năm khu vực của bang New York hiện đã được phép mở lại một phần hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và bán lẻ là Finger Lakes, Central New York, Southern Tier, Mohawk Valley, và North County.
Còn tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết các bãi biển tại đây sẽ chưa thể mở lại vào cuối tháng Năm. Thành phố New York thậm chí vẫn đang phải nỗ lực giảm bớt đám đông ở các công viên, nhất là tại Công viên Trung tâm.
Thị trưởng New York cũng cho biết cảnh sát của thành phố sẽ thực thi nhiệm vụ giải tán đám đông nhưng không bắt giữ người dân không đeo khẩu trang như trước nữa sau khi có nhiều vụ việc ồn ào trong mấy tuần qua cho rằng cảnh sát đã lợi dụng quyền hạn để phân biệt đối xử với cộng đồng người da màu.
Liên quan đến nỗ lực điều chế vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn thế giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố các nhà khoa học và nghiên cứu đang nỗ lực nhanh chóng nhằm tìm ra giải pháp cho đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song dịch bệnh chỉ có thể bị đánh bại khi vaccine và thuốc chữa bệnh được phân phối một cách công bằng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đang cân nhắc khả năng cung cấp vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 miễn phí.
Phát biểu trên được Tổng thống Trump đưa ra tại Nhà Trắng khi ông được phóng viên hỏi liệu vaccine có miễn phí hay không. Tổng thống Trump cũng khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư vào tất cả các mẫu vaccine hàng đầu chống COVID-19, đồng thời cho biết danh sách các mẫu vaccine đã được hạ xuống còn 14 loại có triển vọng, ngoài ra Washington cũng có kế hoạch tiếp tục thu hẹp danh sách này.