Trong vòng 24 giờ qua, nhiều nước có số ca nhiễm và tử vong ở mức cao như Cuba với 51 ca tử vong, Thái Lan với 98 ca tử vong trong khi Anh có 42.302 ca nhiễm (mức cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 1).
Tại châu Âu, do lo ngại số ca nhiễm mới tăng cao, vùng England và Scotland của Anh đã áp đặt hạn chế nghiêm ngặt hơn. Giới chức vùng England đã đưa quần đảo Balearic của Tây Ban Nha và quần đảo Virgin, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh ở khu vực Caribe, phía Đông Puerto Rico vào danh sách "hổ phách".
Cùng ngày, chính quyền Scotland cũng đưa ra quyết định tương tự. Theo các quy định áp dụng với các nước và vùng lãnh thổ trong danh sách "hổ phách", có hiệu lực từ 4h00' ngày 19/7, những người đến từ các khu vực này sẽ phải cách ly tại nhà sau khi nhập cảnh Anh. Những người Anh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải cách ly sau khi trở về từ các địa điểm trên.
Bên cạnh đó, Anh cũng đưa Bulgaria, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Croatia vào danh sách theo dõi "xanh lá cây" - mức thấp nhất trong bảng phân loại theo số ca COVID-19 của nước này. Theo đó, những người đến từ các khu vực "xanh lá cây" không phải cách ly sau khi nhập cảnh, song phải xét nghiệm COVID-19 trước và sau khi đến nước này. Ngoài ra, cũng từ ngày 19/7, Cuba, Indonesia, Myanmar và Sierra Leone sẽ nằm trong danh sách "đỏ", theo đó những người đến hoặc quá cảnh từ các khu vực này sẽ không được phép nhập cảnh Anh. Công dân Anh khi trở về từ các khu vực nằm trong danh sách "đỏ" sẽ phải cách ly 10 ngày tại khách sạn được chính phủ công nhận.
Tương tự, nhiều khu vực ở Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh giới nghiêm cùng nhiều biện pháp hạn chế khác. Cụ thể, chính quyền Catalonia đã yêu cầu tòa án cho phép áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại các thành phố chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, trong đó có Barcelona. Quyết định trên được đưa ra sau khi vùng Valencia lân cận "bật đèn xanh" cho việc khôi phục lệnh giới nghiêm tại 32 thị trấn. Vùng Cantabria cũng đang thảo luận về việc áp đặt lệnh giới nghiêm.
Còn tại Latvia, kể từ ngày 1/10 tới, người lao động tại nước này buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19, nếu không họ có thể bị mất việc và chủ lao động có quyền sa thải những người không tuân thủ việc tiêm phòng. Ngoài ra, Chính phủ Latvia cũng ủng hộ đề xuất bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với nhân viên trong các cơ sở chăm sóc y tế, cơ sở chăm sóc xã hội dài hạn và trung tâm giáo dục.
Trong các lĩnh vực mà người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hay đảm nhận công việc thiết yếu trong doanhh nghiệp, người chủ lao động có quyền sa thải những người không có giấy chứng nhận tiêm vaccine. Tuy nhiên, người sử dụng lao động sẽ không được phép sa thải phụ nữ chưa được tiêm phòng nếu họ đang mang thai, cho đến một năm sau khi sinh con hoặc trong suốt thời gian cho con bú.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ tăng cường kiểm soát biên giới đối với người nhập cảnh đến từ Costa Rica, CH Dominica, Namibia và CH Sakha (thuộc LB Nga) nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể siêu lây nhiễm Delta. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 18/7. Theo đó, những người nhập cảnh đến từ những nước và vùng lãnh thổ kể trên sẽ được yêu cầu ở tại khu vực chỉ định trong 3 ngày và tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Riêng người nhập cảnh đến từ thủ đô Moskva của Nga phải theo dõi cách ly 6 ngày tại cơ sở chỉ định, tức tăng 3 ngày so với quy định trước đó, cùng với đó thì phải thực hiện xét nghiệm ở ngày thứ 3 và ngày thứ 6. Trong khi đó, những người nhập cảnh đến từ Latvia, Thụy Sĩ và Việt Nam sẽ không phải ở trong những cơ sở chỉ định nếu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh, tuy nhiên vẫn phải thực hiện quy định tự cách ly 14 ngày.
Về chương trình tiêm chủng, Nhật Bản thông báo sẽ cho phép giảm độ tuổi đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna từ 18 xuống 12 tuổi. Trước đó vào tháng 5, bộ này cũng đã quyết định giảm độ tuổi đối tượng tiêm chủng vaccine của hãng Pfizer từ 16 xuống 12 tuổi. Dự kiến, Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) sẽ đưa ra quyết định chính thức tại cuộc họp của hội đồng chuyên gia diễn ra vào ngày 19/7.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang chật vật đối phó với số ca mắc biến thể Delta gia tăng. Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Oman và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Trong khi đó, Thái Lan đã mở cửa thêm 3 hòn đảo đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngoài đảo Phuket đã được mở cho đối tượng du khách này từ ngày 1/7. Đây là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm khôi phục ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 3 hòn đảo này là Samui, Tao và Phangan. Du khách đến Samui sẽ phải ở tại khách sạn chỉ định trong vòng 1 tuần và có thể rời cơ sở lưu trú vào ngày thứ 4. Sau tuần đầu tiên, các du khách có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được phép đến Tao hoặc Phangan.
Tuy nhiên, các khu vực còn lại trên Thái Lan đang đối phó với sự lây lan của biến thể Delta, chiếm tới gần 80% tổng số ca nhiễm tại nước này. Hiện thủ đô Bangkok và 9 tỉnh, thành khác - vốn được coi là "tâm dịch" trong làn sóng lây nhiễm hiện nay đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cấm tụ tập trên 9 người.
Còn tại Australia, chính quyền bang Victoria - bang đông dân thứ hai của nước này đã công bố lệnh phong tỏa khẩn cấp trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ nửa đêm 15/7, để ngăn chặn việc bùng phát dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Với lệnh phong tỏa trên, đây là lần thứ 5 kể từ khi đại dịch bùng phát và lần thứ 3 trong năm nay, bang này phải áp dụng lệnh phong tỏa diện rộng.
Theo số liệu thống kê chính thức do Our World In Data công bố, đến ngày 13/7, hơn 25,6% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, tăng 3,2% so với thời điểm thống kê cách đây 2 tuần. Tổng cộng, đã có 3,51 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu.
Trong khi đó, số các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã tăng 21% so với cách đây hai tuần, với các điểm nóng là các quốc đảo như Fiji, CH Cyprus, Cuba cùng một số quốc gia châu Âu như Hà Lan và Tây Ban Nha. Các ca nhiễm mới cũng bắt đầu nhiều trở lại ở Mỹ, tăng 109% so với hai tuần trước.