Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 10.716.554 ca nhiễm và 247.458 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 8.690.621 ca nhiễm và 128.204 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với 5.749.007 ca nhiễm và 163.406 ca tử vong.
Tại Mỹ, các bệnh viện trên khắp cả nước một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải sau vài tuần chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh, buộc giới chức địa phương phải áp dụng các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Theo số liệu mới nhất của Covid Tracking Project, có tới 61.964 ca phải nhập viện vì COVID-19 trong 24 giờ qua, lần đầu tiên vượt qua con số 60.000 ca. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại thành phố biên giới El Paso ở phía Tây bang Texas, nơi số ca nhiễm đã vượt qua con số 1 triệu. Riêng tại hạt El Paso, hơn 1.000 người đã phải nhập viện vì COVID-19 trong tổng số 6.170 ca nhập viện ở đây.
Nhiều nước khác trên thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga có thêm 439 ca tử vong do COVID-19, số ca tử vong tính theo ngày cao nhất cho tới nay, đưa tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở nước này lên 32.032 trong tổng số 1.858.568 ca bệnh.
Croatia ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 - với 3.082 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 75.922 ca, trong đó có 925 ca tử vong.
Tương tự, Áo có thêm 9.262 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - mức tăng cao nhất, nâng tổng số ca bệnh lên 181.642 ca, trong đó có 1.608 ca tử vong.
Iran thông báo số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 457 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 40.121 ca, mức cao nhất tại Trung Đông, trong tổng số 726.585 ca nhiễm.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tại châu Âu, CH Cyprus đã ban bố lệnh bán phong tỏa tại các điểm nóng dịch bệnh ở quốc gia ven Địa Trung Hải này. Cụ thể, tạm thời cấm các hoạt động ra vào hai thị trấn nghỉ mát nổi tiếng là Limassol và Paphos, các nhà hàng và khách sạn tại đây được lệnh đóng cửa, trong khi người dân bị cấm tụ tập ở các địa điểm công cộng như công viên và phải chấp hành lệnh giới nghiêm trong khoảng thời gian từ 20h hôm trước đến 5h hôm sau. Các trường tiểu học hoạt động trong điều kiện áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch, trong khi giáo dục đại học và trung học thực hiện theo phương thức giảng dạy từ xa.
Sau khi được kiềm chế ở mức thấp trong mùa Hè này, số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày tại CH Cyprus đã tăng lên mức kỷ lục 3 con số. Ở thời điểm cuối tháng 6, Cyprus có tổng cộng 1.000 ca mắc bệnh. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên gần 6.500 ca khi làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang bùng phát tại châu Âu.
Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp thông báo một lệnh giới nghiêm toàn quốc và có hiệu lực từ đêm 13/11 sau khi ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 21h hôm trước đến 5h hôm sau, ngoại trừ lý do thiết yếu như công việc hay vấn đề về sức khỏe.
Hy Lạp đưa ra quyết định trên sau khi ghi nhận 43 ca tử vong, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số lên 909 ca. Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua cũng tăng thêm 2.752 ca, lên tổng số 63.321 ca.
Còn Tây Ban Nha sẽ yêu cầu những người đến từ những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính. Quy định này có hiệu lực từ ngày 23/11 tới, theo đó những người đến Tây Ban Nha sẽ phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được tiến hành trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này. Thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha nêu rõ các công ty du lịch, đơn vị vận tải đường biển và đường không phải thông báo đến hành khách về quy định mới này.
Việc Tây Ban Nha thắt chặt quy định nhập cảnh trên là nhằm thực hiện khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) rằng tất cả các quốc gia thành viên phải áp đặt các biện pháp tương tự. Tây Ban Nha cũng sẽ đánh giá những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao theo tiêu chuẩn của EU.
Tại châu Á, Nhật Bản sẽ duy trì việc hạn chế số người tham gia các sự kiện như các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp cho đến cuối tháng 2/2021 do các ca nhiễm mới gia tăng ở mức đáng lo ngại.
Nhật Bản hiện giới hạn các sự kiện tập trung đông người chỉ ở mức 50% số người tham gia, và quy định này sẽ hết hạn vào ngày 30/11 tới. Nhật Bản đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế trên sau khi Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng vì có khả năng bùng phát một đợt lây lan dịch bệnh trên cả nước. Theo ông, nhiệt độ và độ ẩm thấp có thể khiến tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng khi người dân ở trong nhà đóng kín cửa dẫn tới việc không khí ít lưu thông. Ông cảnh báo nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, chính phủ sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn nữa.
Mông Cổ sẽ ban bố tình trạng sẵn sàng ứng phó với thảm họa quốc gia và áp đặt lệnh phong tỏa 24 giờ trên toàn quốc có hiệu lực trong 5 ngày, kể từ 6h ngày 12/11. Quyết định trên được đưa ra sau khi ngày 11/11 nước này đã xác nhận trường hợp mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi người dân phải cảnh giác và thận trọng trong bối cảnh thế giới vẫn đang chờ một loại vaccine tiềm năng có thể phòng bệnh hiệu quả.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nêu rõ đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới. Ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bào chế thành công một loại vaccine hiệu quả, song cũng không thể trông đợi hoàn toàn vào vaccine. Chính vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn phòng bệnh. Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng kêu gọi cần chia sẻ vaccine phòng COVID-19 với các nước nghèo.