Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 17/5: Toàn khối có 2.170 ca tử vong; dịch bệnh vẫn 'nóng' tại Indonesia, Singapore và Philippines

Hết ngày 17/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 68.700 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và trên 2.100 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận ca tử vong vì đại dịch, trong khi Campuchia và Timor Leste không còn bệnh nhân nào.

 

Chú thích ảnh
 Trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan, mở cửa trở lại ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tổng cộng 68.797 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.408 ca so với 1 ngày trước.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.170 người dân ở khu vực này, tăng 66 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 25.184 trường hợp.

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 682 ca; Indonesia ghi nhận một trong những ngày có số ca tử vong cao nhất với 59 trường hợp.

Nhìn chung, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; một số nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có Thái Lan.

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng tại trung tâm thương mại Siam Paragon ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 17/5

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca hồi phục
Singapore 28.038 +682 22   9.340
Indonesia 17.514 +489 1.148 +59 4.129
Philippines 12.513 +208 824 +7 2.635
Malaysia 6.894 +22 113   5.571
Thái Lan 3.028 +3 56   2.856
Việt Nam 320 +2     260
Myanmar 184 +2 6   97
Brunei 141   1   136
Cambodia 122       122
Timor-Leste 24       24
Laos 19       14

Trong ngày 17/5, Thái Lan đã ghi nhận 3 ca mắc virus SARS-CoV-2, tiếp nối đà giảm trong những ngày gần đây. Hiện có tổng cộng 3.028 ca mắc COVID-19 tại nước này, trong đó có 2.856 bệnh nhân đã bình phục và 56 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
 Người dân thủ đô Bangkok xếp hàng đăng ký thông tin qua ứng dụng trên điện thoại di động trước khi vào trung tâm thương mại được mở cửa trở lại ngày 17/5. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan.

Trong bối cảnh Thái Lan đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có xu hướng chậm lại, ngày 17/5, các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa tại quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại kể từ khi phải tạm ngừng hoạt động hồi tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa vào 20h hằng ngày. Những khu vực có đông người tụ tập như rạp chiếu phim hay sàn chơi bowling vẫn tiếp tục đóng cửa. 
Central Pattana Pcl, nhà điều hành trung tâm mua sắm hàng đầu Thái Lan, cho biết sẽ mở cửa trở lại 33 trung tâm tâm thương mại trên toàn quốc. Central Pattana cho biết sẽ giới hạn mật độ khách hàng ở mức 1 người/5m2 và sử dụng các robot để đo thân nhiệt và các thang máy có công nghệ không cần chạm khi bấm số tầng.

Chú thích ảnh
 Cảnh vắng vẻ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan ngày 16/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, hàng chục khách mua sắm đã được ghi nhận xếp hàng trước khi bước vào trung tâm mua sắm Iconsiam ở trung tâm thủ đô Bangkok. Khách hàng được yêu cầu quét mã QR và đăng ký trên trang web chính phủ trước khi bước vào trung tâm. Trung tâm cũng cẩn thận trang bị một chiếc máy xịt dung dịch sát khuẩn tay và chân của khách mua sắm khi họ bước vào. Các khách hàng cho rằng số ca nhiễm đã giảm nhiều do đó hiện đã là thời điểm thích hợp để các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại trong bối cảnh nền kinh tế đã chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch. 

Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan đã nới lỏng một số biện pháp khác như rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm 1 giờ đồng hồ, từ 23h tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 22h tới 4h sáng hôm sau. Trước đó vào cuối tháng Tư, Thái Lan đã dỡ bỏ hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ như các nhà hàng và hiệu cắt tóc. 

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát khá tốt, song nhà chức trách Thái Lan vẫn quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay quốc tế thêm một tháng, đến ngày 30/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã xác nhận 59 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 1.148 người, cao nhất trong số các nước ASEAN.

Người phát ngôn Chính phủ Indonesia về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19, ông Achmad Yurianto cho biết, quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận 489 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 17.520 người.

Cũng theo ông Yurianto, Indonesia đã ghi nhận thêm 218 bệnh nhân COVID-19 được phép xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh được điều trị thành công lên 4.129 người.

Chú thích ảnh
 Các vỉ thuốc có thành phần chloroquine và hydroxychloroquine tại bệnh viện La Timone ở Marseille, miền nam nước Pháp ngày 26/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia đang thử nghiệm thuốc Quinine trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời đặt mua nhiều loại thuốc khác được một số quốc gia đánh giá là có triển vọng.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro ngày 17/5 cho biết Chính phủ Indonesia đã mua thuốc Avigan và Hydroxychloroquine cũng như đang đặt mua thuốc Remdesivir. Ngoài ra, nước này có ý định tự phát triển các loại thuốc thảo dược chống COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia, ngày 11/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Bambang cho biết thêm một trong những phương pháp điều trị đang được Indonesia thử nghiệm là thuốc Quinine – viên nhộng được làm từ vỏ cây Cinchona vốn từng được dùng để điều trị bệnh sốt rét. Quinine hiện hiếm được sử dụng sau khi các hãng dược phẩm phát triển thuốc tổng hợp Chloroquine.

Cũng theo ông Bambang, Indonesia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng về các phương pháp điều trị khác nhau đã được áp dụng tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Bambang không tiết lộ hiện có bao nhiêu bệnh nhân đang tham gia thử nghiệm Quinine.

Chú thích ảnh
 Một hiệu cắt tóc tại Singapore hoạt động trở lại sau khi lệnh hạn chế vì dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 12/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, Bộ Y tế cùng ngày thông báo đã xác nhận 682 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc này lên 28.038 người.

Theo tuyên bố của bộ trên, đại đa số những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện là các lao động nhập cư sống trong những khu nhà tập thể. Ngoài ra, 4 ca bệnh mới là cư dân thường trú ở Singapore. Hiện số ca tử vong tại Singapore duy trì ở con số 22 ca.

Tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày xác nhận 7 ca tử vong và 208 ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy, số ca mắc được xác nhận ở Philippines tính đến thời điểm hiện tại là 12.513 ca, trong đó có 824 người tử vong.

Thông báo của bộ cũng cho biết thêm 74 ca bình phục, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được điều trị thành công ở Philippines lên 2.635 người.

Chú thích ảnh
 Giao thông trên một tuyến phố ở Manila, Philippines ngày 20/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo thêm 22 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 6.894 ca. Số ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia hiện vẫn là 113 ca.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang phòng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: THX

Trong khi đó, Lào ngày 17/5 khẳng định 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ. Đất nước triệu voi ghi nhận tổng cộng chỉ có 19 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ đầu đại dịch và đã có 14 người xuất viện.

Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 5 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng; làn sóng COVID-19 thứ hai rình rập
Thế giới tuần qua: Quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng; làn sóng COVID-19 thứ hai rình rập

Mỹ cảnh báo cắt quan hệ với Trung Quốc và nguy cơ xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ hai tại các quốc gia trên đà tái mở cửa là hai sự kiện đáng chú ý trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN