Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 66.157 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.541 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.078 người dân trong khu vực, tăng 49 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 21.166 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore vẫn là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 793 ca. Toàn khối chỉ có Philippines và Indonesia là hai quốc gia ghi nhận các ca tử vong, trong khi 6 quốc gia bao gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào tiếp tục không ghi nhận các ca mắc bệnh và tử vong mới.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 15/5
Quốc gia |
Tổng ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca hồi phục |
Singapore |
26.891 |
+793 |
21 |
0 |
5.973 |
Indonesia |
16.496 |
+490 |
1.076 |
+33 |
3.803 |
Philippines |
12.091 |
+215 |
806 |
+16 |
2.460 |
Malaysia |
6.855 |
+36 |
112 |
0 |
5.439 |
Thái Lan |
3.025 |
+7 |
56 |
0 |
2.854 |
Việt Nam |
312 |
0 |
0 |
0 |
260 |
Myanmar |
181 |
0 |
6 |
0 |
84 |
Brunei |
141 |
0 |
1 |
0 |
134 |
Campuchia |
122 |
0 |
0 |
0 |
121 |
Timor Leste |
24 |
0 |
0 |
0 |
24 |
Lào |
19 |
0 |
0 |
0 |
14 |
Singapore kết án tù phi công Mỹ vì vi phạm cách ly
Ngày 15/5, một phi công người Mỹ đã trở thành người nước ngoài đầu tiên bị tòa án Singapore kết án tù giam do vi phạm các biện pháp cách ly nhằm chống dịch COVID-19. Phi công người Mỹ làm việc cho hãng chuyển phát nhanh FedEx đã bị tòa án Singapore phạt tù 4 tuần do đã rời khỏi phòng khách sạn khi đang thực hiện cách ly.
Singapore xử lý nghiêm những người vi phạm các quy định về cách ly, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với mức án lên đến 6 tháng tù giam, phạt tiền lên đến 10.000 dollar Singapore (tương đương 7.000 USD), hoặc phải chịu cả hai hình phạt này.
Ngày 15/5, Singapore tiếp tục ghi nhận số ca COVID-19 mới cao nhất khu vực với 793 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh lên 26.891. Hầu hết bệnh nhân mới mắc là công nhân nước ngoài sống trong các khu ký túc tập thể. Theo Bộ Y tế Singapore, tới nay có 5.964 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, chiếm khoảng 23% tổng số bệnh nhân.
Tờ Straits Times cùng ngày cho biết Singapore đã phát triển thành công một dụng cụ xét nghiệm kháng thể mới có thể phát hiện người mắc COVID-19 chỉ trong một giờ, thay vì vài ngày như thông thường.
Indonesia ban hành quy định y tế mới
Ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Terawan Agus Putranto đã ban hành quy định về kiểm soát sức khỏe đối với công dân Indonesia trở về từ nước ngoài và người nước ngoài đến Indonesia. Theo đó, với tất cả mọi người khi nhập cảnh vào Indonesia phải tuân theo các thủ tục kiểm dịch y tế, theo đó mỗi người phải mang theo giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh kết quả xét nghiệm chuỗi polymerase (PCR) âm tính có giá trị tối đa 7 ngày kể từ khi cấp cơ sở y tế từ nước xuất xứ cấp.
Khi đến sân bay, bến cảng các đối tượng này sẽ phải trải qua giai đoạn kiểm tra sức khỏe bổ sung bao gồm phỏng vấn sức khỏe, đo thân nhiệt và kiểm tra thông qua xét nghiệm nhanh hoặc phản ứng PCR. Sau khi được kiểm tra, mỗi người dân Indonesia và người nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận sức khỏe và thẻ cảnh báo sức khỏe (HAC) do Văn phòng Y tế tại các của khẩu cấp.
Đối với công dân Indonesia, giấy chứng nhận sức khỏe cũng sẽ được gửi đến chính quyền địa phương nơi ở để theo dõi trong thời gian tự cách ly.
Nếu người dân và người nước ngoài muốn đi lại trong thời gian tự cách ly thì phải được Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 tại địa phương cấp giấy phép đi lại.
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia cũng cho biết, đảo Bali của nước này có thể mở cửa trở lại đón khách du lịch vào tháng Mười tới do những thành công trong việc của chính quyền tỉnh này đối với đại dịch COVID-19.
Hết ngày 15/5, sau khi ghi nhận 490 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia đã lên tới 16.496, với 1.076 ca tử vong và đã có 3.803 ca được chữa khỏi.
Philippines chuẩn bị truy tố Thiếu tướng cảnh sát vi phạm phong toả
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, Hary Roque cho biết Cảnh sát trưởng Vùng thủ đô Manila, Thiếu tướng cảnh sát Debold Sinas, sẽ nhận các cáo buộc hình sự vì vi phạm các quy định phong toả khi ông tổ chức tiệc mừng sinh nhật hôm 8/5 với sự tham gia của khoảng 50 cảnh sát. Vụ việc đã gây bất bình trong dư luận trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh, với hàng trăm ca nhiễm virus mỗi ngày.
Ngày 15/5, Philippines ghi nhận 215 ca mắc COVID-19, như vậy tổng số ca bệnh đã là 12.091 trường hợp, trong đó có 806 ca tử vong (tăng 16 ca trong 24 giờ qua) và 2.460 người đã bình phục.
Thái Lan thông qua giai đoạn 2 nới lỏng phong tỏa
Ngày 15/5, Chính phủ Thái Lan đã thông qua giai đoạn 2 của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 17/5, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chỉ rút ngắn thời gian giới nghiêm vào ban đêm. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại có các trung tâm thương mại và nhà hàng trong trung tâm thương mại, các trung tâm hội nghị, chợ bán buôn và bể bơi. Các trung tâm thương mại sẽ phải đóng cửa vào lúc 20 giờ để người dân có đủ thời gian trở về nhà trước giờ giới nghiêm.
Trong khi đó, rạp chiếu phim, công viên giải trí, sàn thi đấu quyền anh và phòng tập thể dục vẫn chưa được hoạt động trở lại, trong khi các trung tâm thể hình sẽ được phép nối lại một số hoạt động. Các sân bay vẫn đóng cửa đối với những chuyến bay thương mại từ nước ngoài và các nhà hàng cũng không được phép phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ.
Lệnh giới nghiêm vào ban đêm có hiệu lực cho tới cuối tháng này sẽ được rút ngắn 1 giờ, bắt đầu từ 23 giờ hôm trước cho tới 4 giờ sáng hôm sau, thay vì từ 22 giờ như trước đây.
Trong ngày 15/5, Thái Lan ghi nhận 7 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh lên 3.025 trường hợp, trong đó có 56 ca tử vong và 2.854 bệnh nhân đã bình phục.
Cũng trong ngày 15/5, Ngân hàng Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan (BAAC) thông báo sẽ tiến hành chuyển số tiền hỗ trợ trị giá 5.000 baht (khoảng 156 USD) vào tài khoản của những nông dân đủ tiêu chuẩn theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan.
Lào nới lỏng các hạn chế trên cả nước
Sau 33 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới, tại cuộc họp báo chiều 15/5, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 đã ra thông báo về một số biện pháp nới lỏng hạn chế trên cả nước. Trong giai đoạn từ ngày 18/5 - 1/6 tới, về các biện pháp nới lỏng, Chính phủ Lào cho phép các công sở, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhưng phải tiếp tục thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch; khuyến khích làm việc qua hệ thống điện tử trực tuyến nếu điều kiện cho phép; mở lại các hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc, cho phép người dân di chuyển liên tỉnh; tổ chức tập huấn, hội nghị chính thức trên cả nước.
Chính phủ Lào cũng cho phép mở lại các lớp học cuối cấp gồm lớp 5 tiểu học, lớp 9 và lớp 12 kể từ 18/5, các cấp học còn lại sẽ được trở lại trường từ ngày 2/6 tới. Người dân được phép tổ chức hoạt động thể thao trong nhà-ngoài trời, song phải chấp hành quy định về phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, các lĩnh vực kinh doanh, dự án hoạt động trở lại nhưng phải nằm dưới sự giám sát của cơ quan chức năng ngành dọc và chính quyền địa phương.
Về các biện pháp hạn chế, Chính phủ Lào tiếp tục cấm tổ chức tiệc tùng; tiếp tục đóng cửa các chợ đêm, các tụ điểm giải trí, các quán bia-rượu, karaoke, quán Internet, sòng bạc, các hoạt động thể thao có khán giả. Chính phủ tiếp tục cấm việc tụ tập, hội họp không chính thức, tổ chức cưới hỏi, lễ hội truyền thống quá 50 người mà không thể giữ giãn cách tối thiểu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới, bao gồm cả cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và cửa khẩu quốc tế và chỉ cho phép hoạt động vận tải hàng hóa và một số trường hợp xuất-nhập cảnh đã được ủy ban chuyên trách cho phép. Đồng thời, Lào tiếp tục dừng cấp thị thực cho người nước ngoài, ngoại trừ nhà ngoại giao, chuyên gia, chuyên viên, lao động cần thiết cho các dự án tại nước này.