“Bạn chứng kiến hiện tượng máu đông ngay trước mắt. Rất hiếm khi hiện tượng đó xảy ra một lần chứ đừng nói đến xảy ra lần thứ hai”, bác sĩ Kathryn Hibbert làm việc tại phòng chăm sóc tích cực thuộc bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) chia sẻ.
Bà Hibbert cho biết một bệnh nhân của bà đang trong tình trạng xấu, và sau ba lần bà mới chèn được một đường truyền vào động mạch ở cổ tay bệnh nhân, vì hai lần trước đó đều xảy ra hiện tượng máu đông làm nghẽn đường truyền.
Theo kênh CNN, bác sĩ Hibbert cùng các đồng nghiệp khác đang cố gắng để tìm ra lời giải vì sao một số bệnh nhân mắc COVID-19 lại xuất hiện máu đông – một hiện tượng có thể đe dọa mạng sống con người khi những cục máu đông này chạy vào tim hay phổi.
“Bệnh nhân gặp vấn đề máu đông tôi chứng kiến đều nằm trong phòng ICU và mắc COVID-19, với số lượng chưa từng có. Vấn đề đông máu dường như gặp phải đối với các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng”, bác sĩ Jeffrey Laurence, một nhà huyết học tại bệnh viện Weill Cornell Medicine ở thành phố New York, trả lời CNN.
Theo một nghiên cứu công bố tuần trước, bác sĩ Laurence và các đồng nghiệp đã thực hiện khám nghiệm tử thi hai bệnh nhân, tìm thấy các cục máu đông trong phổi và ngay dưới bề mặt da. Họ cũng tìm thấy những cục máu đông bên dưới bề mặt da trên ba bệnh nhân còn sống.
Tại Hà Lan, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đông máu "cao đáng kể" ở những bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị trong ICU. Có đến 20% trong tổng số 184 bệnh nhân phải điều trị tích cực xuất hiện tình trạng máu đông.
“Đây là một trong những câu hỏi được thảo luận nhiều nhất về COVID-19 hiện nay”, bác sĩ Michelle Gong – trưởng khoa chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Montefiore (New York) – cho biết. Ở Montefiore, các bác sĩ đã sử dụng thuốc làm tan máu với liều lượng thấp để ngăn hiện tượng máu đông.
“Điều này không bình thường. Chúng tôi tự hỏi có phải những cục máu đông này là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng dễ tử vong”, bác sĩ Todd Rice, Phó giáo sư Y khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Columbia, bày tỏ.
Theo bác sĩ Behnood Bikdeli - bác sĩ tim mạch tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, có ba lý do chính khiến nguy cơ đông máu tại bệnh nhân mắc COVID-19 đặc biệt cao.
Đầu tiên, phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng có sẵn các bệnh lý nền khác như tiểu đường, tim mạch và huyết áp cao. Những bệnh nhân này, dù có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, thì vẫn có xu hướng bị máu đông hơn những người khỏe mạnh khác.
Thứ hai, một cách mà virus SARS-CoV-2 có thể khiến bệnh nhân tử vong là do “cơn bão cytokine” – hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào miễn dịch kèm theo các phân tử tín hiệu (cytokines) tàn phá các mô phổi khỏe mạnh. Nếu như bệnh nhân gặp hiện tượng này, họ có nguy cơ cao bị đông máu.
Cuối cùng, chính bản thân virus SARS-CoV-2 có thể gây ra tình trạng đông máu.
Các bác sĩ cho rằng rất khó để xác định chính xác chuyện gì đang xảy ra đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại ICU, và việc điều trị bằng thuốc tan máu cũng chưa chắc có thể giải quyết vấn đề này.
Nếu như dùng liều lượng thuốc thấp để hạn chế rủi ro, thuốc không đủ để làm tan máu ở một vài bệnh nhân. Còn nếu dùng liều lượng cao hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết và dẫn tới tử vong.
“Đây là một trong những thách thức khi phải chăm sóc bệnh nhân nặng và quyết định xem liệu những gì bạn chứng kiến là hiếm gặp và vô tình xảy ra, hay nó sẽ trở nên phổ biến dẫn tới sự thay đổi trong cách điều trị”, bác sĩ Hibbert hy vọng về một ngày sẽ có một nghiên cứu giải đáp các thắc mắc của bà liên quan đến những trường hợp mắc COVID-19 gặp tình trạng máu đông.