Số liệu chính thức công bố tuần trước cho thấy, mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, trong hai tháng đầu năm nay tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 12,68 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu trong quý II/2019 có thể lần đầu tiên giảm khi tám nhà máy lọc dầu tiến hành bảo dưỡng hoặc đóng cửa để nâng cấp trong giai đoạn thường có nhu cầu thấp.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu thô sẽ tăng vào tháng 9/2019, khi hai nhà máy mới là Hengli Petrochemical Co Ltd và Zhejiang Petrochemical đi vào hoạt động 100% công suất. Nhà máy Hengli Petrochemical với công suất 400.000 thùng/ngày đã sẵn sàng cho việc hoạt động đầy đủ và chạy hết công suất vào cuối tháng 3/2019. Trong khi đó, Zhejiang Petrochemical có cùng công suất được cho là sẽ hoạt động thử nghiệm hết công suất trong quý II năm nay.
Công suất gia tăng trong lĩnh vực lọc dầu vốn có quy mô lớn của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà máy sản xuất xăng và dầu diesel. Một quản lý của nhà máy lọc dầu Maoming Petrochemical, thuộc Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), cho biết một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, nhà máy này có thể đối phó bằng cách giảm sản lượng nhiên liệu vận tải. Người đứng đầu nhà máy lọc dầu tư nhân Dongming Petrochemicals, Li Xiangping, cho biết công ty này đang xin phê duyệt xây dựng nhà máy sản xuất ê-ti-len để tránh cạnh tranh trực tiếp với hai nhà máy mới nói trên trên thị trường nhiên liệu vận tải.
Một cách khác để tránh gây ra tình trạng dư cung trên thị trường nhiên liệu trong nước là xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu. Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc đạt kỷ lục trong năm ngoái và tiếp tục đạt mức cao trong năm nay. Hồi tháng 1/2019, nhóm tư vấn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc dự báo nước này sẽ xuất khẩu ít nhất 48,6 triệu tấn xăng, dầu diesel và dầu hỏa trong năm nay.