Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trả lời hãng tin Sputnik của Nga từ làng tái định cư Quitunda (Mozambique), một chỉ huy quân sự dẫn thông tin chính thức từ chính phủ nước này cho biết các phần tử khủng bố đã rút lui và đã tháo chạy, ẩn náu tại các căn cứ trong rừng.
Trước đó, hôm 1/8, quân đội hai nước đã chiếm lại được thị trấn Palma từng là thành trì của nhóm khủng bố Al-Shabaab có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda trong hơn hai năm qua.
Từ tháng 3 vừa qua, các phần tử khủng bố đã tiến hành một cuộc tấn công vào Palma, sát hại hàng chục người và buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Đến đầu tháng 7, Rwanda đã triển khai khoảng 1.000 binh sĩ để hỗ trợ Mozambique trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 12/7, Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức thành lập một phái bộ quân sự tới Mozambique để giúp đào tạo các lực lượng vũ trang của nước này. Đến ngày 26/7, các thành viên của SADC gồm 16 quốc gia khu vực miền Nam châu Phi cũng bắt đầu triển khai lực lượng quân đội của mình tới Mozambique. Lực lượng này do Botswana dẫn đầu.
Ngày 9/8, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã chính thức ra mắt lực lượng quân sự của khối, được tăng cường để hỗ trợ quốc gia thành viên Mozambique giành lại quyền kiểm soát tại tỉnh Cabo Delgado, đặc biệt là thị trấn cảng Mocimboa da Praia. Đây là sào huyệt cuối cùng của phiến quân và là nơi có một trong những mỏ khí đốt lớn nhất châu Phi. Từ sau khi bị chiếm đóng vào tháng 8/2020, nơi đây đã trở thành trụ sở chính của các phần tử cực đoan đến từ Al-Shabab – nhóm vũ trang cực đoan hoạt động ở Đông Phi và có liên hệ với al-Qaeda.
Hơn 3.000 người đã thiệt mạng và 820.000 người phải sơ tán trong các cuộc xung đột giữa quân đội Mozambique và phiến quân kể từ năm 2017.