Tờ Thời báo New York ngày 17/11 dẫn nguồn tin ẩn danh là quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất, bao gồm Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Hãng tin Reuters ngày 18/11 dẫn lời hai quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với quyết định nêu trên nói rằng việc cho phép Ukraine sử dụng sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Các nguồn tin cho biết Ukraine dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong vài ngày tới. Tuy không tiết lộ chi tiết vì lý do an ninh tác chiến, nhưng theo các nguồn tin, trong cuộc tấn công đầu tiên, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ sử dụng tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 306 km.
Xem video Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) được kích hoạt ở một địa điểm không xác định tại Hàn Quốc vào ngày 5/7/2017. Nguồn: Reuters
Quyết định của Chính quyền Biden được đưa ra hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, sau nhiều tháng kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm cho phép quân đội nước này sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự của Liên bang Nga nằm cách xa biên giới hai quốc gia.
Theo Reuters, thay đổi của Chính quyền Biden phần lớn nhằm phản ứng trước việc Nga triển khai binh lính nước thứ ba để bổ sung lực lượng.
Theo một quan chức Mỹ và nguồn tin thân cận với quyết định mà tờ Thời báo New York đề cập, đây là một diễn biến đã gây lo ngại ở Washington và Kiev.
Trong bài phát biểu qua video vào tối 17/11, ông Zelensky cho biết những quả tên lửa sẽ “tự nói lên tất cả”.
Tổng thống Ukraine nói: “Hôm nay, nhiều người trong giới truyền thông nói rằng chúng tôi đã được cho phép thực hiện các hành động thích hợp. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều như thế này không được công bố”.
Hiện chưa có phản hồi ngay lập tức từ Điện Kremlin, nhưng trước đó, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng việc nới lỏng các giới hạn đối với việc sử dụng vũ khí Mỹ cho Ukraine sẽ bị coi là một sự leo thang nghiêm trọng.
Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Liên bang Nga, cho rằng quyết định của Washington cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga có thể dẫn đến “Chiến tranh Thế giới thứ ba”.
Andrei Klishas, một thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), viết trên ứng dụng Telegram rằng: “Phương Tây đã quyết định mức độ leo thang mà điều đó có thể kết thúc với việc nhà nước Ukraine bị phá hủy hoàn toàn chỉ sau một đêm”.
Một số quan chức Mỹ tỏ ra hoài nghi rằng việc cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Liên bang Nga sẽ thay đổi quỹ đạo tổng thể của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng quyết định này có thể giúp Ukraine vào thời điểm các lực lượng Nga đang đạt được tiến bộ và có thể đưa Kiev vào vị thế đàm phán tốt hơn khi hoặc nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia, vào tháng 2/2025 sẽ đánh dấu 3 năm xung đột tại Ukraine bùng nổ và đã có chút mệt mỏi với cuộc chiến này. Vì thế, có một kỳ vọng chung ở cả hai bờ Đại Tây Dương rằng “chúng ta sẽ phải can dự về mặt ngoại giao trong vấn đề này. Và nếu làm vậy, bạn cần phải đặt phía của mình vào một vị thế mạnh mẽ hơn, cả về mặt quân sự lẫn chiến thuật”.
“Và tất nhiên, điều đó có nghĩa là bạn cần tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự để chuẩn bị cho bất kỳ giải pháp đàm phán nào”, cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia nói thêm.
Xem video cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia, ông Ian Kelly cho rằng việc Mỹ gỡ bỏ hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Liên bang Nga là một tín hiệu gửi đến người Nga, cho thấy Mỹ sẽ không rút lui và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Nguồn: Reuters
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi nhậm chức hay không, nhưng trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine và cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh mà không giải thích rõ ràng cách thức.
Tuy phát ngôn viên của ông Trump chưa ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận, nhưng ông Richard Grenell, một cố vấn chính sách đối ngoại thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ, đã chỉ trích quyết định của Chính quyền Biden.
Ông Grenell đã viết trên mạng xã hội X vào ngày 18/11 rằng: “Không ai ngờ rằng ông Joe Biden lại LEO THANG cuộc chiến ở Ukraine trong giai đoạn chuyển giao quyền lực”.
Theo ông Grenell, điều này giống như tổng thống Mỹ đương nhiệm đang khởi động một cuộc chiến hoàn toàn mới.