Tiết lộ nhiều điểm chú ý trong cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Macron

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thử nghiệm một vai trò là người kiến tạo hòa bình trong cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 24/2.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tại cuộc họp báo chung ở Washington, D.C., ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Dù bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với những tuyên bố cứng rắn về việc giành lãnh thổ, thậm chí không loại trừ biện pháp quân sự, Tổng thống Trump vẫn dành nhiều thời gian để bàn bạc với người đồng cấp Macron về cách chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra nhiều mất mát nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Mỹ, với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", thậm chí còn gợi ý rằng lực lượng an ninh châu Âu sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát Ukraine sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Pháp không bác bỏ khả năng điều quân đến Ukraine, nhưng khẳng định đó sẽ là "triển khai quân vì mục đích hòa bình, không phải chiến đấu". Ông cũng tiết lộ rằng một số lãnh đạo châu Âu khác cũng sẵn sàng làm điều tương tự.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine theo cách chưa từng có trước đây", ông Trump tuyên bố khi ngồi cạnh Macron tại Phòng Bầu dục. "Đây là một cuộc xung đột đẫm máu khủng khiếp và chúng ta phải giải quyết nó... Nếu không, nó có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba".

Tổng thống Macron đến Nhà Trắng trước tiên để tham dự cuộc họp trực tuyến với Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vào buổi sáng, sau đó là cuộc gặp riêng với ông Trump và một cuộc họp báo chung vào buổi chiều.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump gây lo ngại cho các lãnh đạo châu Âu và phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ khi ông đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xung đột, đồng thời tuyên bố rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông Frederick Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo: "Nếu đánh giá sai tình hình hiện tại như sau Thế chiến thứ nhất, hậu quả có thể vô cùng tàn khốc, như sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, nạn diệt chủng". Theo ông, Tổng thống Trump có cơ hội để tạo dấu ấn lịch sử, nhưng các bước đi tiếp theo của ông sẽ rất quan trọng.

Tổng thống Macron, với kinh nghiệm dày dặn về ngoại giao và từng làm việc với Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu, đã khéo léo tập trung vào điểm chung giữa họ: chấm dứt xung đột ở Ukraine. Trong cuộc họp báo chung, ông gọi Trump là "Donald thân mến" và tán thành quan điểm lâu nay của ông Trump rằng châu Âu cần đóng góp nhiều hơn cho an ninh khu vực.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ đi qua tòa nhà đổ nát tại Pokrovsk, Ukraine. Ảnh: Rfect

Tuy nhiên, những khác biệt vẫn lộ rõ. Ông Macron không đưa ra quan điểm rõ ràng về việc Ukraine có nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga hay không, để ông Trump lên tiếng về vấn đề này. "Buộc Nga trả lại đất không phải điều dễ dàng", ông Trump nói.

Sau đó, Tổng thống Macron cho rằng việc ông Trump đối thoại với Tổng thống Nga Putin là điều hợp lý, nhưng cũng cảnh báo rằng cần phải thận trọng. Ông Trump, khi được hỏi vì sao tin tưởng Tổng thống Putin, trả lời rằng đó là "điều có lợi" cho tất cả mọi người nếu đạt được thỏa thuận hòa bình.

Hai bên đều muốn nhấn mạnh mục tiêu chung là chấm dứt xung đột, nhưng như thường lệ, vấn đề tài chính vẫn là điểm gây tranh cãi. Khi ông Trump tuyên bố các nước châu Âu sẽ được hoàn trả số tiền đã viện trợ cho Ukraine, ông Macron nhẹ nhàng đặt tay lên tay ông Trump để ngắt lời và nói: "Thực ra, chúng tôi đã đóng góp 60% tổng hỗ trợ, tương tự như Mỹ, dưới hình thức khoản vay, bảo lãnh và viện trợ".

Ông Trump lắc đầu: "Nếu ông tin điều đó, tôi không sao cả. Nhưng họ sẽ nhận lại tiền của mình".

Căng thẳng tiếp tục leo thang trong cuộc họp báo khi ông Trump so sánh tổng viện trợ của Mỹ (350 tỷ USD) với châu Âu (100 tỷ USD) và tuyên bố sự chênh lệch này "cần được cân bằng" nếu đàm phán hòa bình thất bại. "Cả đời tôi gắn với những thỏa thuận”, ông Trump nhấn mạnh.

Trong số các lãnh đạo châu Âu, Macron có mối quan hệ đặc biệt với ông Trump. Một phần là vì ông đã từng làm việc với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông Macron còn chủ động duy trì liên lạc thường xuyên với ông Trump từ sau cuộc bầu cử tháng 11.

Trước các phóng viên, Tổng thống Macron mô tả cuộc gặp với Tổng thống Trump là "rất tốt, rất thân thiện". Nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông đã thúc đẩy việc duy trì liên lạc thường xuyên với ông Trump, đồng thời xây dựng "một mối quan hệ đặc biệt".

Đáp lại, ông Trump, người luôn đánh giá cao mối quan hệ cá nhân với các lãnh đạo thế giới, đã dành những lời khen ngợi đặc biệt cho Macron: "Tổng thống Macron là một người rất đặc biệt trong mắt tôi.". Cả hai đã có những tràng cười, một cái bắt tay thật chặt và những cái vỗ vai thân mật khi gặp nhau vào buổi chiều.

Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh nước Pháp vẫn duy trì hình ảnh tích cực trong mắt cử tri Mỹ. Theo khảo sát của Gallup, 87% đảng viên Dân chủ, 75% đảng viên Cộng hòa và 72% cử tri độc lập có thiện cảm với Pháp.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo miamiherald)
LHQ thông qua các nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
LHQ thông qua các nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Ngày 24/2 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời hối thúc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN