Theo đó, tính đến ngày 26/9, tỉ lệ số ca nhiễm đột phá COVID-19 là 0,0025%. Nhiễm đột phá là trường hợp người đã tiêm đủ liều vaccine nhưng vẫn bị nhiễm virus 14 ngày sau khi kết thúc mũi tiêm cuối cùng. Trong số 516 ca nhiễm đột phá này có 14 trường hợp tử vong, đa phần rơi vào đối tượng người già, mắc bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao.
Giám đốc FDA Eric Domingo cho biết những dữ liệu về nhiễm đột phá tại Philippines cho thấy vaccine vẫn duy trì được hiệu lực theo thời gian. “Tại thời điểm này, chúng tôi không ghi nhận hiệu lực suy giảm của vaccine. Chúng tôi không nhận thấy sự gia tăng các ca nhiễm đột phá theo thời gian. Vì thế, không có lý do để nói rằng hiệu lực của vaccine giảm, không cần thiết phải tiêm mũi tăng cường cho đại bộ phận dân chúng”, ông Domingo phát biểu.
Như nhiều vaccine trị bệnh khác, vẫn xuất hiện các ca nhiễm đột phá đối với người tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Đây là lý do tại sao giới chức chính quyền và các chuyên gia y tế khuyến cáo người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn cần tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
Trên thế giới, một số nghiên cứu cho thấy hiệu lực bảo vệ của một số loại vaccine ngừa COVID-19 suy yếu theo thời gian, nhất là 6 tháng sau thời điểm hoàn tất tiêm mũi hai.