Theo Destatis, trong tháng 12/2021, tỷ lệ lạm phát của Đức tiếp tục tăng so với tháng 11 trước đó, lên mức 5,3%. Tính trung bình cả năm 2021, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đạt 3,1% - mức tăng cao nhất trong gần 20 năm qua. Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao là do giá năng lượng tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 vào năm 2020. Theo tính toán của các chuyên gia, trong vòng 1 năm (tính tới tháng 11/2021), giá năng lượng đã tăng 22,1%, một mức độ rất cao.
Cùng với đó, việc Chính phủ Đức tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) trở lại sau thời gian giảm hồi năm ngoái nhằm hỗ trợ người dân và nền kinh tế trong đại dịch, cũng làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ trong năm nay. Ngoài ra, giá nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất tăng mạnh cũng như việc tắc nghẽn giao hàng và mức thuế khí thải CO2 tăng từ đầu năm 2021, cũng góp phần thúc đẩy tỷ lệ lạm phát gia tăng mạnh.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, sẽ cần có thời gian để mức lạm phát cao hiện nay giảm xuống mức bình thường. Dự kiến trong năm 2022, tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục ở mức trên 3%. Các viện nghiên cứu kinh tế như Viện Ifo và Viện Kinh tế thế giới đều khẳng định rằng sự tắc nghẽn liên tục trong việc giao hàng làm chi phí sản xuất tăng mạnh. Trong khi đó, giá năng lượng tiếp tục tăng và thuế khí thải CO2 cũng sẽ thúc đẩy lạm phát tăng trong thời gian tới.
Tỷ lệ lạm phát cao làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng vì họ phải trả nhiều tiền hơn so với trước đây cho cùng một lượng hàng hóa. Các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát cao ảnh hưởng lớn tới người dân, đặc biệt là những hộ gia đình thu nhập thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát gia tăng cũng gây thiệt hại cho những người gửi tiền tiết kiệm, do mức lãi suất thấp không đủ bù đắp tỷ lệ trượt giá của đồng tiền.