Đức có thể rút ngắn thời gian cách ly

Ngày 7/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ hiến 16 bang cùng hội đồng chuyên môn đánh giá về dịch bệnh của chính phủ sẽ tiến hành cuộc họp để quyết định những biện pháp mới nhằm chống biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh với tốc độ lây nhiễm chóng mặt.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại cuộc họp, chính phủ sẽ tham vấn ý kiến của Bộ trưởng Y tế và Hội đồng chuyên gia về các quy định mới chống dịch bệnh COVID-19. Trước đây, do sự phân chia quyền giữa chính phủ liên bang và tiểu bang, mỗi bang đều có quyền hạn riêng quyết định các biện pháp ứng phó với đại dịch. Cuộc họp với tên gọi là “thượng đỉnh COVID-19”, sẽ đưa ra “quy định cơ bản” tối thiểu được áp dụng trên toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh. Từ mức cơ bản này, các bang có thể áp đặt những quy định nghiêm ngặt hơn tùy vào tình hình từng khu vực.

Trong vài tuần qua, trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, cả Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach và một số quan chức cấp bang khác đều đề cập đến việc rút ngắn thời gian cách ly ở Đức, theo đó sẽ rút thời gian cách ly có thể giảm xuống một cách an toàn.

Ông Lauterbach nêu rõ: “Các nghiên cứu mới đây cho thấy thời gian Omicron tồn tại, tức là từ khi xâm nhập vào cơ thể đến khi nhiễm cho người khác ngắn hơn nhiều”.

Hiện vẫn chưa khẳng định thời gian cách ly bắt buộc sẽ giảm xuống còn bao nhiêu ngày, nhưng cả hai phương án là từ 14 ngày hiện nay giảm xuống 7 ngày 5 ngày đều đã được đề xuất. 

Chuyên gia dịch tễ học của Đức Christian Drosten, người đã tư vấn cho chính phủ trong suốt thời gian diễn ra  đại dịch COVID-19, cũng lên tiếng ủng hộ việc rút ngắn thời gian cách ly, do lo ngại rằng hạ tầng y tế như bệnh viện và các nhân viên chăm sóc có thể quá tải nếu quá nhiều người cách ly cùng một lúc. 

Cùng quan điểm trên, người phát ngôn về chính sách y tế của Ủy ban phụ trách các vấn đề sức khỏe tại Hạ viện, ông Tino Sorge cho rằng: “Omicron khác với các biến thể trước đó và đây là lý do tại sao các quy tắc cách ly nên được điều chỉnh”. Ông nói: “Chúng tôi dự báo sẽ có đợt bùng phát mới với nhiều ca nhiễm biến thể này, nhưng đa số điều có triệu chứng nhẹ. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta phải ngăn chặn tình trạng thiếu nhân viên có thể làm tê liệt nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Ngoài rút ngắn thời gian cách ly, chính phủ cũng sẽ thảo luận về việc có nên miễn quy định 2G plus hay không, tức là người đã được tiêm chủng đầy đủ (2 mũi) hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 vẫn cũng phải xét nghiệm trước khi vào một số địa điểm nhất định.

Trước đó, Đức đã áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế, theo đó, bắt đầu từ ngày 15/3 tới, các nhân viên, như y tá hoặc những người làm việc trong các trung tâm chăm sóc y tế, sẽ phải trình chứng nhận đã tiêm phòng vaccine đầy đủ hoặc giấy chứng nhận y tế xác nhận không thể tiêm vaccine.

Kể từ đầu tháng 12/2021, Đức thường xuyên ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện đã giảm 36% so với một năm trước, trong khi hơn 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 40% đã tiêm mũi tăng cường.

Phương Hoa (TTXVN)
Khảo sát cho thấy 85% dân số Indonesia có kháng thể chống lại COVID-19
Khảo sát cho thấy 85% dân số Indonesia có kháng thể chống lại COVID-19

Theo kết quả khảo sát do Đại học Indonesia thực hiện, hơn 85% dân số nước này có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo hiện vẫn chưa rõ liệu điều này có thể giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN