Trong một phát biểu trên đài phát thanh nhà nước, Bộ trưởng Hultqvist nêu rõ: “Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ cho phép các nước tận dụng sức mạnh và lợi thế của nhau, cùng nhau hỗ trợ, triển khai thực hiện các kế hoạch hành động. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn".
Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển vừa thông báo vào ngày 15/5 tới sẽ đưa ra quan điểm của mình về khả năng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Nếu đảng trên ủng hộ, Quốc hội nước này dự kiến sẽ thông qua một dự luật mở đường cho việc nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này. Đơn xin gia nhập có thể mất tới 1 năm để được tất cả 30 nước thành viên NATO chấp thuận.
Tại nước láng giềng Phần Lan, đảng cầm quyền ở nước này cũng dự định công bố lập trường về vấn đề xin gia nhập NATO vào ngày 14/5 tới.
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều có quan hệ chặt chẽ với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, tham gia Chương trình Quan hệ Đối tác vì Hòa bình năm 1994. Hai nước cũng thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với các nước thành viên NATO cũng như các sứ mệnh gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu. Các nước Bắc Âu khác là Đan Mạch, Na Uy và Iceland đều là thành viên của NATO.