Chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định trên sau khi số ca mắc bệnh giảm và nhiều khu vực tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người dân phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, không được phép tập trung đông người, không nên di chuyển khi có triệu chứng mắc bệnh và bất kỳ ai có triệu chứng mà có kế hoạch đi lại cần phải tiến hành xét nghiệm. Phó Thủ tướng Isabella Lovin cho rằng quyết định dỡ bỏ hạn chế trên không có nghĩa là đã hết nguy hiểm và cuộc sống đã trở lại bình thường. Bà nhấn mạnh các biện pháp hạn chế khác vẫn được duy trì bao gồm cấm sự kiện tập trung hơn 50 người và tất cả những khuyến nghị đối với người trên 70 tuổi. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế và Các vấn đề xã hội Lena Hallengren tuyên bố hạn chế đi lại có thể được tái áp đặt bất kỳ lúc nào tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Đến nay, Thụy Điển ghi nhận tổng số 41.883 ca nhiễm và 4.562 ca tử vong.
* Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã ra tuyên bố chính thức rằng việc mở cửa biên giới chỉ bắt đầu từ ngày 1/7 thay vì thông báo trước đó của Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Reyes Maroto rằng Tây Ban Nha sẽ mở cửa trở lại biên giới trên bộ với Pháp và Bồ Đào Nha vào ngày 22/6. Theo thông báo mới của Chính phủ Tây Ban Nha, hoạt động di chuyển trong nước sẽ được nối lại từ ngày 22/6 nhưng việc kiểm soát biên giới trên bộ, trên không và trên biển có thể được kéo dài sau khi tình trạng khẩn cấp dự kiến hết hạn vào ngày 21/6 tới. Hiện Tây Ban Nha ghi nhận tổng số 240.660 ca nhiễm và 27.133 ca tử vong.
* Cũng trong ngày 4/6, Ủy viên phụ trách vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson cho biết Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên mở cửa toàn bộ biên giới trong EU vào cuối tháng 6 này khi cho rằng tình hình dịch bệnh đang được cải thiện nhanh chóng tại nhiều quốc gia.
* Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Nội vụ nước này tuyên bố sẽ áp đặt lệnh phong tỏa 2 ngày cuối tuần tại 15 thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, các cửa hàng bánh mì và một số cửa hàng khác có thể được hoạt động. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tổng số 167.410 ca nhiễm và 4.630 ca tử vong.
* Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 4/6 đã thông báo kế hoạch giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Theo ông Costa, Bồ Đào Nha đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế đột ngột nhất kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 1929, do đó chính phủ có kế hoạch phục hồi nền kinh tế mà không buông lỏng kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Costa cho biết một khoản trợ cấp bổ sung nhằm ổn định thu nhập cho những người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giải ngân trong tháng 6 này, với số tiền lên đến 350 euro/người, ngoài khoản hỗ trợ gia đình được cung cấp vào tháng 9. Chính phủ cũng dành quỹ 30 triệu euro cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa và các nhà hát. Ông Costa cam kết thực hiện những chính sách việc làm tích cực nhằm ngăn chặn nạn thất nghiệp và tái sử dụng những lao động đã mất việc làm do dịch bệnh, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người khuyết tật.
Thời gian thực hiện kế hoạch trên sẽ kéo dài đến cuối năm 2020 và là cơ sở cho ngân sách bổ sung mà chính phủ sẽ trình quốc hội vào tuần tới. Bồ Đào Nha hiện ghi nhận tổng cộng 33.592 ca nhiễm và 1.445 ca tử vong.